Luật sư Trần Khánh Thương

Hỏi về quyền khởi kiện phân chia di sản thừa kế của cháu nội

Kính gửi : Luật Minh Gia Tôi có một số thắc mắc về việc kế thừa tài sản thừa kế do cha mẹ để lại như thế nào mong nhận được sự tư vấn của Luật sư. Câu chuyện là như thế này. Ông Bà nội tôi có 03 ( ba) người con đều có gia đình và ra ở riêng. ( 02 (hai) gái, 01 (một) trai.

 

Mẹ tôi mất tháng 9 năm 200x và ông nội tôi cũng mất  tôi mất  9 năm 200x, chỉ trong mấy ngày mà cha tôi mất đi 02 người thân thương yêu, để làm một đàn 04 (bốn) người con nhỏ dưới 18 tuổi. Mẹ già 7x tuổi, chính vì thế mà một người cô lớn của tôi đã về tới lui chăm sóc bà nội tôi, nhiêu năm sau đó cô lớn tôi mới dọn về ở chung với bà nội tôi để bà có người bầu bạn ( nhà cô tôi và nhà nội tôi cách nhau khoản 03km. Cha tôi không có trực tiếp chăm sóc bà nội tôi. Cho đến nay năm 201x bà nội tôi qua đời cô tôi đã làm giấy tờ tài sản, nhà cửa đất đai chuyển sang tên của cô lớn tôi, mà không có sự đồng ý của 02 người con của ông bà nội. Nếu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như vậy tôi xin hỏi là có đúng Quy định của pháp luật hay không?

Hộ khẩu nhà là bà tôi chủ hộ, cô lớn tôi và các người con của cô lớn là chung một sổ Hộ Khẩu. Cha tôi và người cô nhỏ đã cắt hộ khẩu theo chồng và vợ)

Theo luật kế thừa tài sản thì ba mẹ mất không để lại di chúc thì phân chia tài sản như thế nào. Cha tôi đã mất năm 2013 như vậy các người con của cha tôi có được thừa hưởng tài sản của ông bà nội mất để lại đáng lý lúc còn sống cha tôi được hưởng hay không. Hiện tại giấy tờ được người cô tôi đứng tên và con của người cô lớn tôi đứng tên và không chấp nhận phân chia tài sản của ông bà nội tôi để lại. Khi cô út tôi thư kiện ra xã rồi xuống Huyện thì cô lớn tôi không đi, vắng mặt với nhiều lý do, bệnh, không nhận được thư… cô là lớn nên cô ở nhà bà nội tôi cúng giỗ, các người con của ba tôi không được ở, không được cúng giỗ vì còn nhỏ (là cháu).

Về phần đất đai cô tôi đã đem thế chấp nhân hàng để về cho vay lại với lãi suất cao hơn kiếm lời.

Mong Luật sư tư vấn giúp chúng tôi phải làm như thế nào, hướng giải quyết ra sao để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chúng tôi. Nếu nộp đơn khiếu nại thì chúng tôi là cháu nội có được đứng ra nộp đơn khiếu nại hay không hay phải do người cô út (cô nhỏ) của tôi đứng đơn khởi kiện.

Tôi rất mong nhận được sự tư vấn của Luật sư, tôi chân thành cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì ông nội bạn mất tháng 9/2007; bố bạn mất năm 2013; bà nội mất năm 2015, do đó trường hợp này sẽ áp dụng các quy định của bộ luật dân sự 2005 để giải quyết.Trường hợp người mất không để lại di chúc thì di sản thừa kế được chia theo pháp luật, những người thừa kế theo pháp luật và thứ tự phân chia di sản được quy định cụ thể tại Bộ luật Dân sự 2005 như sau:

 

“Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

 

Điều 677. Thừa kế thế vị

 

Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

 

Sau đây, chúng tôi xác định người thừa kế theo pháp luật đối với từng trường hợp:

 

Ông nội mất tháng 9/2007 thì những người thừa kế được xác định là: bà nội và ba người con (hai người cô và bố bạn).

 

Khi ông nội mất, tài sản chung của ông bà được chia đôi. Bà nội được hưởng ½ tài sản chung của vợ chồng cộng thêm ¼ di sản thừa kế của ông bạn để lại. Ba người con được hưởng mỗi người ¼ di sản thừa kế của ông bạn.

 

Bố bạn mất năm 2013, người thừa kế theo pháp luật là bà nội bạn và anh chị em bạn (tất cả là 5 người). Di sản thừa kế của bố bạn bao gồm cả phần tài sản được hưởng thừa kế từ ông nội. Mỗi người thừa kế được hưởng một phần di sản bằng nhau.

 

Bà nội mất năm 2015, người thừa kế là các con, tuy nhiên, do bố bạn chết trước bà nên các cháu (con của bố bạn) được hưởng phần di sản mà bố cháu được hưởng nếu còn sống (1/3 di sản).

 

Từ việc phân tích về người thừa kế, có thể thấy trong bất cứ trường hợp nào thì cô bạn đều không có quyền đơn phương khai nhận di sản thừa kế và một mình đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không có sự thoả thuận đồng ý của các đồng thừa kế còn lại.

 

Cũng theo phân tích trên thì anh em bạn thuộc trường hợp thừa kế thế vị, là những người có quyền và lợi ích bị xâm phạm. Do vậy, anh em bạn cũng có quyền khởi kiện đến Toà án nhân để yêu cầu phân chia di sản thừa kế chứ không nhất thiết phải là cô bạn đứng đơn khởi kiện.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi về quyền khởi kiện phân chia di sản thừa kế của cháu nội. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
Luật gia: Khánh Thương - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo