Triệu Lan Thảo

Hỏi về kiện đòi thừa kế

Luật sư tư vấn: Thủ tục khởi kiện chia thừa kế

Thưa luật sư, nhờ luật sư tư vấn giúp về việc kiện đòi chia thừa kế với ạ Nhà em có 3 anh em ruột. Em là cả, dưới em còn 2 em D và T. Bố em mất năm 2011, để lại toàn bộ tài sản là đất đai. Thang 10/2017, mẹ em mất, trước khi mất, mẹ em đã bán mảnh đất trị giá 590 triệu đồng (nhờ uỷ quyền của em và T ở xa gửi về và D đồng ký bán). Sau khi mẹ em mất, chi phí ma chay, tiền thuốc men, vận chuyển còn lại 458 triệu. D giữ 290 triệu có giấy biên nhận nhận tiền. T giữ 168 triệu nhưng chỉ xác nhận là giữ bằng đó không có văn bản xác nhận.Tổng cộng còn 458 triệu. Em và T đồng ý chia 3 nhưng D không đồng ý. Hỏi luật sư, bây giờ em làm đơn kiện D chia thừa kế thì thủ tục cần làm gồm những gì? Và T có cần làm biên bản xác nhận giữ tiền, có phải bắt buộc phải có mặt ở Toà không? (Vì Tở xa đi lại không tiện) Nhờ luật sư giúp đỡ với ạ. Em cám ơn!.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Luật Minh Gia, chúng tôi xin đưa ra ý kiến tư vấn như sau:

 

Thứ nhất: Để khởi kiện chia thừa kế bạn cần chuẩn bị hồ sơ sau:

 

- Viết đơn khởi kiện

 

Căn cứ theo Điều 189 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về hình thức, nội dung đơn khởi kiện gồm:

 

"a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

 

b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

 

c) Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

 

Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;

 

d) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);

 

đ) Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;

 

e) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

 

Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

 

g) Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

 

h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);

 

i) Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện."

 

- Nộp kèm theo đơn khởi kiện các tài liệu liên quan đến vụ việc

 

+ Chứng minh thư nhân dân

 

+ Các giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản: Giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu, giấy giao nhận nuôi con nuôi để xác định diện và hàng thừa kế;

 

+ Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;

 

+ Di chúc (Nếu có)

 

+ Bản kê khai các di sản;

 

+ Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;

 

+ Các giấy tờ khác: Biên bản giải quyết giữa các đồng thừa kế, biên bản giải quyết tại UBND xã, phường, thị trấn ( nếu có), tờ khai từ chối nhận di sản ( Nếu có).

 

Tất cả các giấy tờ phải là bản gốc hoặc bản sao có chứng thực. 

 

Về nguyên tắc, khi gửi đơn khởi kiện đến Tòa, người khởi kiện phải gửi kèm theo toàn bộ tài liệu, chứng cứ để chứng minh họ là người có quyền khởi kiện và những yêu cầu của họ là có căn cứ và hợp pháp. Tuy nhiên, trong những trường hợp vì lý do khách quan, mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ ngay các tài liệu, chứng cứ đó thì người khởi kiện phải nộp được những tài liệu, chứng cứ ban đầu chứng minh cho việc khởi kiện là có căn cứ. Những tài liệu, chứng cứ khác người khởi kiện có thể tự mình bổ sung sau hoặc theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án. Việc nộp đơn khởi kiện có thể nộp trực tiếp tại Tòa án, qua đường bưu điện hoặc qua trang thông tin điện tử của Tòa án (nếu có)

 

Thứ hai, về nghĩa vụ làm biên bản xác nhận giữ tiền và sự có mặt của T,

 

Trong trường hợp này:  nếu bạn, D và T thống nhất thừa nhận có sự kiện D nhận giữ 168 triệu đồng trong tổng 458 triệu tiền bán đất thì không cần thiết lập biên bản xác nhận việc nhận tiền. Nếu có một trong các bên không thừa nhận, có mâu thuẫn thì việc nhận tiền của T cần phải ghi nhận bằng văn bản để thuận lợi cho việc chứng minh sau này.

 

Căn cứ Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự,

 

1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

 

Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.

 

2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

...

d) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật;

 

đ) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.

 

Nhận thấy, khi bạn khởi kiện D để chia thừa kế thì tư cách tố tụng của T là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. T không bắt buộc có mặt tại Tòa án, T có thể ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng hoặc gửi đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.

 

Như vậy, việc T nhận tiền nên ghi nhận bằng văn bản, trong trường hợp không có văn bản có thể chứng minh D đang giữ tiền bằng ghi hình, người làm chứng,.... Để khởi kiện D chia thừa kế bạn cần tuân thủ đúng trình tự trên, theo quy định của pháp luật Tòa án phải triệu tập T để lấy lời khai, tham gia phiên họp chứng cứ, hòa giải, phiên tòa xét xử sơ thẩm...T nên có mặt đầy đủ theo giấy triệu tập của tòa để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của mình, nếu không thể có mặt được thì có thể ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng hoặc gửi đơn đề nghị xét xử vắng mặt đến Tòa án. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Đoàn Văn Chiến - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo