Nguyễn Kim Quý

Hồ sơ và thời gian giải quyết việc nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài

Luật sư tư vấn về hồ sơ của người nhận con nuôi là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, nơi nhận hồ sơ nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, thời gian giải quyết việc nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài

Nội dung tư vấn: Xin chào công ty luật Minh Gia Mình có tham khảo phần tư vấn của công ty về các câu hỏi cho việc nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, các bạn trả lời rất rõ ràng và cụ thể. Bản thân mình cũng đang tìm hiểu các thủ tục và yêu cầu để nhận nuôi cháu ruột làm con nuôi và bảo lãnh cháu sang Mỹ. Mình xin hỏi cụ thể chi tiết hơn như sau: 1.Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Vietnam: mình phải làm thủ tục ở đâu? có thể làm ở Mỹ hay cần về Vietnam để làm? Những thủ tục và giấy tờ gì để nộp cho văn bản này? 2. Bản điều tra về tâm lý, gia đình: mình phải đi đâu để làm biên bản này? ai là người có thẩm quyền để xác nhận về bản điều tra này? 3. Văn bản xác nhận tình trạng sức khỏe: mình có thể làm tại Mỹ hoặc là phải về Vietnam để làm? bệnh viện nào có thẩm quyền để xác nhận? 4. Phiếu lí lịch tư pháp: mình đang sinh sống tại Mỹ, có phải là yêu cầu làm tại Mỹ hay không? có cần phiên dịch ra tiếng việt khi nộp hồ sơ hay không? 5. Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân: mình hiện giờ đang kết hôn, có giấy tờ kết hôn. Nếu làm văn bản xác nhận thì phải làm ở đâu? Hơn nữa, do thời gian mình về Vietnam không được ở lại lâu, nên muốn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ trước khi về. xin cho biết thông thường thời gian giải quyết việc nhận con nuôi trong thời gian bao lâu? Mình có thể nộp hồ sơ lúc mình đang ở Mỹ, không trực tiếp ở Vietnam được không? Hi vong nhận được câu trả lời sớm của quý vị. Thank you

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về hồ sơ của người nhận con nuôi, căn cứ quy định tại Điều 31 Luật Nuôi con nuôi 2010 như sau:

 

"1. Hồ sơ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi phải có các giấy tờ, tài liệu sau đây:

 

a) Đơn xin nhận con nuôi;

 

b) Bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

 

c) Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam;

 

d) Bản điều tra về tâm lý, gia đình;

 

đ) Văn bản xác nhận tình trạng sức khỏe;

 

e) Văn bản xác nhận thu nhập và tài sản;

 

g) Phiếu lý lịch tư pháp;

 

h) Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

 

i) Tài liệu chứng minh thuộc trường hợp được xin đích danh quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này.

 

2. Các giấy tờ, tài liệu quy định tại điểm b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều này do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận con nuôi thường trú lập, cấp hoặc xác nhận.

 

3. Hồ sơ của người nhận con nuôi được lập thành 02 bộ và nộp cho Bộ Tư pháp thông qua cơ quan trung ương về nuôi con nuôi của nước nơi người nhận con nuôi thường trú; trường hợp nhận con nuôi đích danh quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này thì người nhận con nuôi có thể trực tiếp nộp hồ sơ cho Bộ Tư pháp.”

 

Nếu bạn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, có thường trú ở Mỹ thì văn bản cho phép nhận con nuôi ở Việt Nam, bản điều tra tâm lý, gia đình, văn bản xác nhận tình trạng sức khỏe, phiếu lý lịch tư pháp, văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân sẽ do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi bạn đang thường trú lập, cấp hoặc xác nhận. Như vậy, văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam sẽ do cơ quan có thẩm quyền tại nơi bạn đang cư trú tại Mỹ cấp cho bạn phù hợp với quy định của pháp luật Mỹ về nhận con nuôi. Bản điều tra tâm lý, gia đình, văn bản xác nhận tình trạng sức khỏe, phiếu lý lịch tư pháp, văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân cũng do cơ quan có thẩm quyền của Mỹ cấp, lập, xác nhận cho bạn phù hợp với quy định của pháp luật Mỹ. Các giấy tờ nêu trên nếu do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp phải được dịch sang tiếng Việt Nam và hợp pháp hoá lãnh sự tại Cơ quan đại diện Ngoại giao hoặc Cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.

 

Thứ hai, bạn trực tiếp nộp hồ sơ của mình và của người được nhận làm con nuôi tại Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp. Trường hợp có lý do chính đang không thể trực tiếp nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi, bạn có thể ủy quyền bằng văn bản cho người thân thích, họ hàng thường trú ở Việt Nam hoặc gửi hồ sơ cho Cục Con nuôi qua đường bưu điện theo hình thức gửi bảo đảm. Căn cứ Điều 37 Luật Nuôi con nuôi 2010 và Điều 18 Thông tư 19/2011/NĐ-CP, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ của bạn và chuyển hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Trường hợp không chấp thuận hồ sơ, Cục Con nuôi trả lại hồ sơ và nêu rõ lý do bằng văn bản. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định cho trẻ em làm con nuôi trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ do Sở Tư pháp trình. Ngay sau khi có quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp thông báo cho bạn đến Việt Nam để nhận con nuôi. Bạn phải có mặt ở Việt Nam để trực tiếp nhận con nuôi trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Sở Tư pháp; trường hợp vợ chồng xin nhận con nuôi mà một trong hai người vì lý do khách quan không thể có mặt tại lễ giao nhận con nuôi thì phải có ủy quyền cho người kia; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn trên có thể kéo dài, nhưng không quá 90 ngày. Hết thời hạn nêu trên, nếu bạn không đến nhận con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hủy quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.

 

Trân trọng

Phòng tư vấn pháp luật Dân sự - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo