Luật gia Nguyễn Nhung

Biên bản họp gia đình về chia đất thừa kế

Luật sư tư vấn về điều kiện có hiệu lực của biên bản họp gia đình để thỏa thuận chia di sản thừa kế là đất đai trong trường hợp không có di chúc, tư vấn về tranh chấp khi chia di sản thừa kế, cụ thể như sau:

Câu hỏi:

Xin chào luật sư! Em xin kính hỏi luật sư một câu hỏi, mong luật sư giải thích hộ em. Gia đình mẹ em có 5 anh em (2 cậu, 3 dì). Những năm trước đây, do khó khăn nên gia đình em có vay của cậu thứ 2 một khoản tiền là 12 triệu đồng. Do làm ăn không khấm khá lên nên cậu có ý muốn gia đình em chuyển vườn đang ở sang cho cậu để trừ nợ. Cùng thời điểm hiện tại ông bà ngoại chúng em có để lại một mảnh vườn và không có di chúc. Ý muốn của các dì và các cậu là muốn gia đình em vào ở vị trí vườn của ông bà ngoại để lại, tại thời điểm đó giá mảnh đất nhà em khoảng 16 triệu, miếng đất của ông bà khoảng 4 triệu (trước đó gia đình em có vay 12 triệu của cậu thứ 2).

Nếu gia đình em đổi vườn thì sẽ tương đương giá cùng với món nợ đã vay. Ở đây, vì sao cậu thứ 2 có quyền đổi, vì cậu thứ nhất nhà mẹ em không có con trai nên các dì và các cậu muốn cho cậu thứ 2 định đoạt mảnh vườn của ông bà. Trong nhiều năm liên tục, bố mẹ em và cậu thứ 2 không thỏa thuận xong, không ai chịu ai mà bố mẹ em còn nợ cậu. Đến năm 2011, thời điểm đó, tuyến đường trước vườn nhà em chuẩn bị làm đường rộng thêm, cậu rất muốn đổi vườn để nhận tiền đền bù, vì trước đây có mang nợ nhà cậu nên gia đình em chấp nhận đổi vườn theo tự thỏa thuận. Bố mẹ em chuyển quyền sử dụng đất cho cậu theo hình thức cho tặng, các dì và các cậu chuyển quyền sử dụng đất của ông bà sang cho bố mẹ em theo hình thức từ chối thừa kế và sang tên cho bố mẹ em (trừ 5m làm nhà thờ).

Vì giúp đỡ bố mẹ và cậu cho xong việc, tránh sự tranh cãi và và liên quan tới nợ nần em đã giúp bố mẹ và cậu làm hồ sơ, thủ tục làm hồ sơ cơ bản đầy đủ, hôm họp gia đình các dì và các cậu có mặt đầy đủ và ký vào biên bản họp gia đình (thống nhất trừ 5m làm nhà thờ, còn lại chuyển quyền thừa kế cho bố mẹ em).

Tuy nhiên trong hồ sơ cho tặng và chuyển nhượng em đều ký giúp cho cậu vì họp gia đình xong cậu có việc không về được và bố mẹ nói nhờ em làm giúp. Sau thời gian đó các hồ sơ đã được thực hiện và nhà nước cấp giấy chứng nhận. Đến nay cậu em lại trở chứng kiện gia đình em tự xây dựng hồ sơ để chiếm đoạt đất của ông bà và tự làm hồ sơ giả kể cả biên bản họp gia đình mà cậu và các dì có tham dự tại ủy ban.

Hỏi: 1. Thông qua sự việc trên, gia đình mẹ em có họp gia đình, có thỏa thuận chuyển thừa kế sang cho bố mẹ em (trừ 5m làm nhà thờ) mọi ý nguyện đều được thể hiện trong văn bản họp gia đình và tất cả mọi người đều ký. Vậy văn bản đó có hiệu lực không?

2. Trong hồ sơ cho tặng và hồ sơ thừa kế bố mẹ em có ký đăng ký nhận tài sản thừa kế, nhưng đất làm nhà thờ em có ký thay cho cậu, và hồ sơ nhà em cho tặng cậu đất em cũng ký cho cậu vì cậu không về được. Mục đích của em là giúp cho bố và cậu hoàn thành việc vay mượn và đổi đất. Vậy em có lỗi gì không nếu cậu kiện bố mẹ em và me? Cậu em sống như vậy là quá đáng, đã nhận được đất của nhà em giờ quay sang kiện nhà em tranh chấp đất thừa kế. Kính nhờ luật sư giải thích dùm em.

Trả lời:

Chào bạn! Rất vui vì bạn đã gửi câu hỏi về cho Luật Minh Gia. Sau đây, chúng tôi xin giải đáp câu hỏi của bạn như sau:

1. Biên bản họp gia đình về thỏa thuận phân chia đất thừa kế

Tại điểm a.2 khoản 2.4 Mục I của Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết dân sự, hôn nhân và gia đình có quy định: 

"Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thỏa thuận của họ".  

Và Khoản 2 Điều 656 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: "Mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản".

>> Tư vấn về biên bản họp gia đình phân chia thừa kế, gọi: 1900.6169

Theo đó, biên bản họp gia đình chính là thỏa thuận của các dì và các cậu - những người đồng thừa kế theo hình thức văn bản. Theo quy định của pháp luật thì văn bản thỏa thuận này không cần công chứng, và chỉ cần có đầy đủ các thành viên tham gia và chữ ký của những ngươi nàythì biên bản họp của gia đình bạn có hiệu lực pháp luật.

Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp, trong buổi họp gia đình bạn có sự tham gia của cậu bạn nhưng cậu bạn không ký vào biên bản họp gia đình mà thực tế bạn lại thay cậu bạn kí vào văn bản đó. Do vậy, biên bản này sẽ không có hiệu lực pháp luật (trừ trường hợp có văn bản ủy quyền của cậu bạn cho bạn được quyền thay mặt cậu kí vào biên bản họp gia đình).

Nếu bạn ký thay cậu bạn mà không có sự ủy quyền của cậu bạn thì chữ ký đó sẽ không được pháp luật công nhận. Cậu bạn có thể chứng minh chữ ký đó không phải của mình bằng cách giám định chữ ký. Khoản 1 Điều 2 Luật Giám định tư pháp 2012 quy định: 

"Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này". 

Do đó, cậu bạn hoàn toàn có quyền giám định chữ ký khi yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc này. Khi có kết luận giám định chữ ký đó không phải của cậu bạn thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ vô hiệu. 

Điều 122 BLDS 2015 quy định: 

“Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.”

Trường hợp của bạn, chủ thể tham gia giao dịch dân sự không tự nguyện (cậu bạn không trực tiếp kí vào các giao dịch dân sự), vì vậy giao dịch này sẽ bị vô hiệu. Cậu bạn có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án tuyên các giao dịch dân sự mà gia đình bạn đã tiến hành (hợp đồng tặng cho, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất,....) là vô hiệu.Khi đó, nếu bố mẹ bạn vẫn muốn đứng tên trên GCN của phần di sản thừa kế thì mọi người sẽ làm lại biên bản họp gia đình và phải có chữ ký của cậu bạn.

2. Về hành vi giả mạo chữ ký trong hồ sơ thừa kế

Hành vi giả mạo chữ ký của người khác là trái quy định của pháp luật và tùy vào hậu quả xảy ra có thể bị xử lý vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực cụ thể. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào các yếu tố như động cơ, mục đích phạm tội,.. Theo đó, nếu việc giả mạo chữ ký của bạn là thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản có trị giá từ hai triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp luật quy định thì có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Nếu bạn bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì việc quyết định hình phạt sẽ do Tòa án quyết định sau khi xem xét, đánh giá tình tiết của vụ án, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS theo quy định của BLHS. Trường hợp hành vi của bạn là trái quy định pháp luật dân sự nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định về công chứng hợp đồng, giao dịch (nếu còn thời hiệu xử phạt).

Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề bạn yêu cầu. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo