Nguyễn Kim Quý

Giải quyết vướng mắc về luật đất đai

Chào luật sư! Xin luật sư tư vấn giúp tôi trường hợp: Gia đình bố tôi có 6 anh chi em. hiện ông nội đã mất lâu rồi và bà nội tôi mới mất. 5 anh và em ruột của bố tôi đi làm ăn xa và có gia đình ở nơi khác

 

Gia đình tôi ở tại mảnh đất của ông bà nội để lại, hiện bố tôi đứng tên trong giấy chứng nhận của nhà nước cấp, sổ hộ khẩu người đứng chủ cũng là bố của tôi (trong sổ hộ khẩu có cả bà nội vừa mới mất của tôi) tuy ở trong một khu đất nhưng vẫn chia ra 2 nhà chung vách, một nhà là của ông bà nội lúc còn sống và một bên là gia đình tôi. cách đây mấy năm các anh em của bố tôi có góp tiền xây lại cái nhà bên bà tôi cho khang trang để làm chổ thờ cúng sau này.hiện tại anh em của bố tôi co mối quan hệ không được tốt.bác cả về tại khu đất của gia đình tôi giao cho một người em thứ tư trong gia đình về ở đấy cho đến già (ở tại nhà thờ cúng của ông bà mà mấy anh em đã cũng nhau góp tiền làm).

Luật sư cho tôi biết:

- Việc làm của bác cả của bố tôi có đúng hay không? Vì hiện tại chủ hợp pháp của khu đất đó là bố tôi thì tôi nghĩ là bố tôi mới có quyền nhượng quyền sử dụng đất cho ai đo ở.

- Khi bị các anh em trong nhà tự cho mình cái quyền sử dụng đất của bố tôi thì bố tôi phải làm gì? làm như thế nào cho đúng với luật pháp hiện hành? (bố tôi sinh năm 1956 và các anh chị em của bố tôi đã đi khỏi quê hương cũng khoảng 20 năm).

Xin cảm ơn luật sư và chúc luật sư sức khoẻ!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật MInh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thông tin bạn cung cấp không rõ ràng về việc bố bạn đứng tên GCNQSD đất đó là cấp cho cá nhân hay cấp cho hộ gia đình. Do đó, có thể có hai trường hợp sau:

 

- Trường hợp 1: GCNQSD đất cấp cho cá nhân bố bạn

 

Trường hợp này, bố bạn đã là người được đứng tên quyền sử dụng đất thì phần diện tích đất đó sẽ được coi là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của bố bạn (Khoản 16 Điều 3 Luật đất đai 2013). Trừ trường hợp có căn cứ để chứng minh việc bố bạn đứng tên QSD đất đó là sai, là vi phạm trình tự, thủ tục hành chính.

 

Theo đó, trong trường hợp này, phần diện tích đất đó thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của bố bạn thì ông bà bạn cũng như những anh chị em của bố bạn sẽ không có quyền liên quan gì đến phần diện tích đất đó.

 

- Trường hợp 2: GCNQSD đất cấp cho Hộ gia đình

 

Trường hợp này, GCNQSD đất cấp cho hộ gia đình và bố bạn là người đứng tên đại diện cho hộ gia đình. Khi này, việc xác định người có quyền sở hữu cần phải căn cứ vào Sổ hộ khẩu của gia đình tại thời điểm được cấp GCNQSD đất đó (Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013).

 

Theo đó, cần phải xác định tại thời điểm được cấp GCNQSD đất ông bà bạn cũng như những anh chị em của bố bạn có chung hộ khẩu với nhau không. Trường hợp trong hộ khẩu tại thời điểm đó có tên của ông bà bạn thì ông bà bạn mỗi người sẽ có quyền sở hữu 01 phần tương đương nhau với các thành viên hộ gia đình.

 

Và khi ông bà bạn mất đi thì phần ông bà bạn có quyền sở hữu sẽ là di sản thừa kế và sẽ phân chia thừa kế trong phần quyền của ông bà bạn. Khi đó, việc chia thừa kế cần xem xét có di chúc hay không có di chúc: Trường hợp có di chúc sẽ chia theo di chúc đó; trường hợp không có di chúc sẽ chia theo pháp luật và chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất: bố, mẹ, vợ, chồng, các con của người để lại di sản thừa kế (Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005).

 

Như vậy, việc phần đất dùng để thờ cúng nếu như ông bà bạn không để lại di chúc có nội dung phần nào dùng để thờ cúng thì việc thờ cúng sẽ do những người thừa kế của ông bà bạn thỏa thuận, không thỏa thuận được thì chia đều cho những người thừa kế hàng thứ nhất.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Giải quyết vướng mắc về luật đất đai. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV - Nguyễn Thị Dung - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo