Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Giả mạo chữ kỹ của người khác để vay tiền có phạm tội không?

Luật sư tư vấn về hành vi giả mạo chữ ký người khác. Trường hợp một người giả chữ ký của người khác để vay tiền thì có vi phạm pháp luật dân sự không. Quy định của pháp luật chi tiết như sau:

Câu hỏi yêu cầu luật sư tư vấn: Em có quen một người bạn và nhờ người đó đi công chứng giúp em bằng tốt nghiệp đại học nhưng khi về thì người đó bảo là đã đánh mất. Nhưng thực chất là người đó đã lấy bằng đại học của em, cũng với những thông tin về lý lịch của em đem đi thế chấp để vay tiền. Hiện tại em đã lấy được tờ giấy vay thế chấp của người bạn em đã ký với hiệu cầm đồ. Giấy vay nợ đó được viết và ký tên của em nhưng chữ viết và chữ ký trên đó hoàn toàn không phải của em mà là của người bạn kia đã giả mạo em để viết. Người bạn đó của em đã bỏ đi không liên lạc được. 

Vậy em muốn hỏi:

Với tờ giấy vay thế chấp có chữ ký giả mạo mà bạn em đã ký thì cái đó có được coi là bằng chứng để trình báo với công an không?

Và đến khi nào thì em mới có thể lấy lại bằng của mình hay phải chờ đến khi bắt được người bạn kia của em thì mới được giải quyết.

Nếu như em và hiệu cầm đồ kia đều là người bị hại thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm với số tiền mà bạn em đã vay. Sau này em có phải mất thêm khoản chi phí nào cho việc lấy lại bằng không ạ. Chân thành cảm ơn !

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

1. Giấy tờ vay thế chấp có chữ kí giả mạo của người bạn đó có được coi là bằng chứng không?

Theo quy định tại Điều 86 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.”

Chứng cứ có thể được xác định bằng: Vật chứng; Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; Kết luận giám định; Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.

Như vậy, Giấy tờ vay thế chấp có chữ kí giả mạo của người bạn đó chính là tài liệu chứa đựng chứng cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội.

2. Nếu đến hạn trả tiền mà cơ quan công an chưa giải quyết thì bạn có phải bỏ tiền ra chuộc giấy tờ về không?

Theo nguyên tắc, bạn không thực hiện hành vi thế chấp thì bạn không phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Về phía cơ quan công an, theo quy định tại Khoản 1 Điều 145 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 thì“Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.”

Như vậy, thời gian để cơ quan công an xác minh làm rõ nguồn tin tố giác, quyết định việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp của bạn kéo dài bao lâu sẽ phụ thuộc vào tính chất phức tạp hay đơn giản của sự việc.

3. Khi nào thì em mới có thể lấy lại bằng của mình hay phải chờ đến khi bắt được người bạn kia của em thì mới được giải quyết

Bằng tốt nghiệp của bạn trong trường hợp này được coi là vật chứng của vụ án nên có giá trị chứng minh tội phạm nên bạn sẽ được nhận lại bằng khi vụ án được giải quyết xong.

4. Nếu cả bạn và hiệu cầm đồ kia đều là người bị hại thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm với số tiền mà người bạn đó đã vay?

Như chúng tôi đã nói ở trên, bạn không vay tiền thì bạn không có nghĩa vụ trả nợ. Trách nhiệm trả nợ thuộc về người bạn đó. Nếu người bạn đó không thể trả nợ thì chủ hiệu cầm đồ sẽ là người chịu rủi ro không thu hồi được nợ. Bởi lẽ, ngay khi kí kết hợp đồng vay tiền với người bạn đó thì bên cho vay (hiệu cầm đồ) đã phải xác định được rủi ro không thu hồi được nợ.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Giả mạo chữ kỹ của người khác để vay tiền có phạm tội không?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo