Luật sư Việt Dũng

Định đoạt di sản thừa kế có cần sự đồng ý của những người con trong gia đình?

Luật sư giải đáp thắc mắc của khách hàng về yêu cầu tư vấn định đoạt di sản thừa kế trong di chúc nhưng những người thân trong gia đình không đồng ý thì có lập được hay không? Nội dung tư vấn cụ thể như sau:

 

Gửi Luật Sư, tôi có 1 vài vướng mắc về vấn đề thừa kế tài sản đất đai, mong luật sư giải đáp giúp tôi. Trường hợp của tôi như sau:Mẹ tôi có 8 người con : 4 trai, 4 gái, hiện có 3 người con gái đã lấy chồng và sinh sống ở nước ngoài, 3 người con trai đã có vợ và sinh sống tại việt nam ( đã có nhà riêng cả rồi) . Hiện còn lại tôi và 1 người anh trai là không lập gia đình và đang sống cùng với mẹ ở ngôi nhà do mẹ tôi đứng tên. Mẹ tôi năm nay gần 90 tuổi rồi, nhưng sức khỏe và tinh thần đều rất tốt, rất minh mẩn. Mẹ tôi hiện tại có mong muốn là sẽ chuyển quyền thừa kế ngôi nhà đang ở  cho tôi và người anh trai đang sống cùng và 1 đứa cháu nội nữa đứng tên. Nhưng tôi và các anh chị khác của tôi không ai đồng ý việc mẹ tôi lại cho người cháu nội này thừa hưởng phần thừa kế này cả. Tôi muốn hỏi luật sư là nếu trường hợp mẹ tôi vẫn kiên quyết cho người cháu nội này đứng tên, trong trạng thái tinh thần minh mẩn như hiện tại thì liệu rằng mẹ tôi có thể đơn phương ra phường làm di chúc để lại tài sản mà không cần thông qua sự đồng ý của tất cả các người con hay không ?Mong phản hồi từ luật sư.Cảm ơn luật sư.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ theo quy định tại điều  624 Bộ luật dân sự năm 2015 Di chúc  sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.  Theo đó bà sẽ được tự định đoạt tài sản của bà cho người khác mà không phụ thuộc vào ý chí của người khác. 

 

Đồng thời theo quy định tại điều 179 Luật đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất có quyền để thừa kế cụ thể:

 

Điều 179. Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất

 

1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế thì có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

.....

đ) Cá nhân sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật.

 

Hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.

 

Trường hợp người được thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật này thì được nhận thừa kế quyền sử dụng đất; nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật này thì được hưởng giá trị của phần thừa kế đó;

 

Vì không rõ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình được cấp cho riêng cá nhân bà hay hộ gia đình nên chúng tôi chia thành 2 trường hợp cụ thể như sau:

 

Thứ nhất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp riêng cho cá nhân bà. Khi bà là người sử dụng đất duy nhất trên mảnh đất này thì bà hoàn toàn có quyền định đoạt toàn bộ tài sản này không cần sự đồng ý của những người con. Việc bà tự lập di chúc định đoạt mảnh đất cho con và cháu nội là quyền của bà mà không cá nhân nào được cản trở.

 

Thứ hai,  GCNQSDĐ được cấp cho hộ gia đình hoặc đồng sở hữu đất đai với người khác và để bà đại diện đứng tên. Khi đó bà được ghi nhận là đồng sở hữu đất đai, bà vẫn hoàn toàn được định đoạt phần tài sản của bà trong khối tài sản chung đó. Bà không được định đoạt toàn bộ giá trị tài sản mà chỉ được định đoạt phần tài sản thuộc quyền sử dụng của mình. Việc lập di chúc bà vẫn hoàn toàn được thực hiện mà không cần sự đồng ý của bất kì ai. 

 

Trân trọng!

CV tư vấn: Hà Tuyền - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Tư vấn nhanh