LS Hoài My

Đi xin chức thực hồ sơ lý lịch cá nhân nhưng Ủy ban Xã không làm thì giải quyết như nào?

Luật sư tư vấn về vấn đề: Đi xin chứng thực hồ sơ lý lịch cá nhân nhưng vì họ, dân tộc khác với họ, dân tộc của mẹ ( mang họ và dân tộc của bố, bố mẹ không đăng ký kết hôn) nên Ủy ban xã không giải quyết thì phải làm thế nào?

Nội dung tư vấn: Em có ý định làm hồ sơ để đi làm nhưng khi lên Xã xin công chứng thì không được lý do là vì hồ sơ của em ghi là không có bố. Nhưng "họ" và "dân tộc" của em lại khác với mẹ, vì trước kia mẹ em có chung sống với 1 người đàn ông nhưng không đăng ký kết hôn sinh em ra đặt "họ" và "dân tộc" em theo "họ" và "dân tộc" của người đàn ông đó, do không sống được với nhau nên em ở với mẹ, người đàn ông đó thì em cũng không biết mặt ạ. Em năm nay 25 tuổi rồi ạ. Vậy luật sư cho em hỏi giờ em phải làm sao để xin công chứng được hồ sơ xin việc ạ?.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Liên quan tới việc xác định  họ của con khi đăng ký khai sinh thì theo quy định Bộ luật dân sự 2005 thì việc đăng ký khai sinh cho con không bắt buộc phải theo họ của cha hoặc của mẹ. Do đó, từng thời kỳ pháp luật sẽ có quy định khác nhau về việc xác định họ cho con khi đăng ký khai sinh. Do vậy, trong trường hợp của bạn cần xác định thời kỳ đăng ký khai sinh năm bao nhiêu để xác định quy định pháp luật thời kỳ đó. 

 

Liên quan tới việc chứng thực hồ sơ sơ yếu lý lịch: Tại Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định Thủ tục chứng thực chữ ký như sau:

 

“1. Người yêu cầu chứng thực chữ ký của mình phải xuất trình các giấy tờ sau đây:

 

a) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;

 

b) Giấy tờ, văn bản mà mình sẽ ký.

 

2. Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ yêu cầu chứng thực, nếu thấy đủ giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình và việc chứng thực không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 25 của Nghị định này thì yêu cầu người yêu cầu chứng thực ký trước mặt và thực hiện chứng thực như sau:

 

a) Ghi đầy đủ lời chứng chứng thực chữ ký theo mẫu quy định;

 

b) Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.

 

Đối với giấy tờ, văn bản có từ (02) hai trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu giấy tờ, văn bản có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.

 

3. Đối với trường hợp chứng thực chữ ký tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông thì công chức tiếp nhận hồ sơ kiểm tra các giấy tờ, nếu nhận thấy người yêu cầu chứng thực có đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều này thì đề nghị người yêu cầu chứng thực ký vào giấy tờ cần chứng thực và chuyển cho người có thẩm quyền ký chứng thực.

 

4. Thủ tục chứng thực chữ ký quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều này cũng được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

 

a) Chứng thực chữ ký của nhiều người trong cùng một giấy tờ, văn bản;

 

b) Chứng thực chữ ký của người khai lý lịch cá nhân;

 

c) Chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập theo quy định của pháp luật;

 

d) Chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản”.

 

Theo đó, khi bạn đi xin chứng thực chữ ký tờ khai lý lịch cá nhân thì bạn phải xuất trình các giấy tờ sau:

 

+ Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;

 

+ Giấy tờ, và văn bản mà mình sẽ ký (sơ yếu lý lịch).

 

Khi đến Ủy ban Xã, người thực hiện chứng thực sẽ kiểm tra giấy tờ yêu cầu chứng thực, nếu thấy đủ giấy tờ nêu trên và tại thời điểm chứng thực, bạn hoàn toàn minh mẫn, nhận thực và làm chủ được hành vi của mình và chứng thực không thuộc các trường hợp không được chứng thực thì giấy tờ cần chứng thực sẽ chuyển cho người có thẩm quyền ký chứng thực. Về  trường hợp người thực hiện chứng thực từ chối chứng thực vì lý do họ của bạn khác với họ của mẹ là không phù hợp với quy định pháp luật. Do đó, bạn có thể làm đơn kiến nghị hoặc có thể làm đơn Khiếu nại gửi trực tiếp Chủ tịch ủy ban nhân dân xã hoặc Uỷ ban nhân dân cấp huyện để được giải quyết.

 

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo