Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Chồng phân chia tài sản trước khi chết bằng miệng có hiệu lực pháp lý không?

Kính gửi luật sư e có một vấn đề thắc mắc muốn nhờ ls tư vấn ạ. Em và chồng em kết hôn khi cả 2 đều có con riêng, e có 1 con trai và chồng e có 1 trai 1 gái.

Nội dung tư vấn:  Giữa chồng và vợ cũ có 1 thỏa thuận chung là vợ anh ấy sẽ cho tài sản con gái và chồng cho tài sản con trai. Cách đây mấy ngày chồng e gọi con trai tới chia tài sản (vì con trai 28 tuổi)như sau: tài sản chia làm 3 phần, con trai anh ấy một phần, e và con trai của  e 1 phần còn chồng e 1 phần. Phần của con trai chồng e đã lấy rồi nhưng quá trình chia diễn ra bằng lời nói và tài sản là tài sản riêng của chồng e. E muốn hỏi lỡ may có chuyện không may xảy ra mà chồng e mất đi vậy mẹ con e có được hưởng 1 phần tài sản như đã chia ở trên không, nếu con trai anh ấy đòi chia tài sản tiếp thì chia như thế nào, con gái riêng của chồng e có được chia không. E muốn chồng e chia tài như trên có tính pháp lý (nhưng không phải nhờ tới luật sư hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền) thì phải làm như thế nào? Mong luật sư giải đáp dùm e. Cảm ơn rất nhiều ạ

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về việc phân chia tài sản của chồng bạn trước khi chết:

 

Như thông tin bạn đã trình bày thì chồng bạn gọi con trai đến để chia tài sản, như vậy có thể hiểu là chồng bạn đang ở trạng thái bình thường, không rơi vào trường hợp tính mạng bị cái chết đe dọa theo quy định tại khoản 1 Điều 629 BLDS 2015 nên việc phân chia tài sản bằng miệng đó không thể coi là di chúc miệng nên nếu lỡ không may chồng bạn mất (không để lại di chúc) thì bạn và con bạn sẽ không được hưởng một phần tài sản như chồng bạn đã chia trước đó.

 

Nếu bạn muốn việc chồng bạn chia tài sản như trên có tính pháp lý chúng tôi xin đưa ra hai phương án như sau:

 

- Thứ nhất, bạn có thể yêu cầu chồng bạn cho bạn và con bạn nhận luôn phần tài sản đó trước khi chồng bạn mất. Đối với tài sản phải đăng ký thì phải có  văn bản tặng cho tài sản, đối với tài sản là bất động sản thì hợp đồng tặng cho phải lập thành văn bản và hoàn tất thủ tục công chứng, chứng thực thì mới có hiệu lực pháp luật.

 

- Thứ hai, chồng bạn có thể lập một bản di chúc trong đó nội dung có ghi rõ để lại một phần tài sản (như đã nêu trên) cho bạn và con của bạn (di chúc được đánh tay hoặc do người khác viết phải có ít nhất hai người làm chứng theo quy định tại Điều 634 BLDS). Di chúc lập thành văn bản phải có đầy đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 630 BLDS thì theo quy định tại Khoản 4 Điều này không cần công chứng, chứng thực. Theo đó, Khoản 1 Điều 630 BLDS quy định như sau:

 

“1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

 

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.”

 

Thứ hai, về việc phân chia tài sản của chồng bạn sau khi mất, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Trong trường hợp chồng bạn không may mất mà không có di chúc, theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 650 BLDS, di sản chồng bạn để lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 651 BLDS, di sản được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm:

 

“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”

 

Như vậy, hàng thừa kế thứ nhất của chồng bạn gồm có: bố, mẹ của chồng bạn, con trai, con gái và bạn (vợ hợp pháp). Tức là, con gái trai và con gai riêng của chồng bạn vẫn được chia một phần tài sản (tương đương với tài sản của bạn được hưởng).

 

Bên cạnh đó, điều 654 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

 

“Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này.”

 

Như vậy, nếu giữa con riêng của bạn với chồng bạn nếu có quan hệ muôi dưỡng, chăm sóc nhau như cha con thì con trai bạn cũng có thể được hưởng một phần di sản như những đồng thừa kế khác.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Đoàn Thị Khánh- Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo