Phạm Diệu

Cho mượn sổ đỏ bị mang đi cầm cố, đòi lại thế nào?

Luật sư tư vấn về trường hợp cho chị vợ mượn sổ đỏ vay thế chấp ngân hàng, sau đó bị mang đi cầm cố. Nội dung tư vấn như sau:

 

Vào tháng 3 - 2015  tôi có cho chị gái bên vợ tôi mượn một bìa đỏ, đất nhà ở là đất mà hiện giờ tôi đang sinh sống. Vì là anh em cả nên khi chị gái bên vợ tôi ra mượn và bảo dùng đi vay tiền bên ngân hàng để chạy việc, cũng do thiếu hiểu biết nên tôi đã đưa cho chị mượn đi. Chị gái còn bảo nếu vay được thì cho hai vợ chồng tôi vài triệu để tiêu còn tiền lãi chị khác giả. Sau hai tháng không thấy chị nói gì, tôi mới gọi điện hỏi thì chị bảo đất của tôi là đất nông thôn nên không vay được. Tôi hỏi chị lấy lại bìa đỏ thì chị bảo cứ yên tâm chị cất cho giờ đang bận việc vài hôm nữa chị khác lấy giả. Cho đến nay tôi mới biết chị đã mang đi cầm lấy 40 triệu vay với lãi xuất cao ở ngoài và chạy chốn không giả tiền lãi. Đến giờ bên cho vay mới thông báo tới gia đình tôi và còn ép buộc tôi phải trả số tiền cả gốc lẫn lãi là110 triệu đồng. Trông khi đó chị gái tôi đi vây ngoài mà không hề có chứ kí của chủ bìa đỏ.... Cho tôi hỏi tròng trường hợp này tôi nên là gì và có thể kiện chị gái tôi và bên cho vay nặng lãi đấy không? Xin cảm ơn luật sư.

 

Trả lời: Cảm ơn anh đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của anh, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự:

 

“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

 

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

 

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

 

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”

 

 

Như vậy, căn cứ quy định trên: hành vi của người chị mượn sổ đỏ của gia đình anh mang đi cầm cố mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu là hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, việc bên cầm đồ nhận cầm đồ đối với tài sản thuộc sở hữu của người thứ ba mà không có giấy ủy quyền hợp lệ theo Thông tư 33/2010/TT – BCA cũng được coi là vi phạm quy định pháp luật. Theo đó, giao dịch dân sự về việc cầm cố sổ đỏ giữa chị anh và bên nhận cầm cố được coi là giao dịch dân sự vô hiệu.

 

Tại Điều 131 Bộ luật dân sự 2015 về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu:

 

“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

 

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

 

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

 

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

 

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

 

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.”

 

Căn cứ vào quy định trên, trong trường hợp này sẽ giải quyết theo giao dịch dân sự vô hiệu, tức là các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận. Bên nhận cầm cố có trách nhiệm trả lại sổ đỏ cho gia đình và chị anh phải có trách nhiệm hoàn trả lại khoản tiền đã nhận từ bên cho vay.

 

Trường hợp nếu các bên không tự nguyện giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu là trả lại cho nhau những gì đã nhận thì gia đình anh có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu và buộc các bên phải thực hiện nghĩa vụ này.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề anh hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, anh vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Phạm Diệu - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo