Luật sư Đào Quang Vinh

Chia thừa kế sau 18 năm

Ông Nội tôi có một ngôi nhà, ông bà tôi không còn sống chung với nhau mà thực tế ông bà không có giấy đăng ký kết hôn và ông cũng không khai bà là vợ trong lý lịch của ông (Ông mất đã 18 năm).Ông Nội tôi có 4 người con. Lúc ốm đau bệnh tật ông đề do bố tôi chắm sóc. Ngồi nhà đến nay vẫn mang tên ông. Đến nay sảy ra tranh chấp về vấn đề xử lí tài sản. Trong trường hợp này giải quyết thế nào?

 

Xin chào luatminhgia.vn tôi muốn hỏi quý luật sư một vấn đề liên quan đến việc thừa kế đất đai mong được giải đáp giúp tôi với ạ:Ông Nội tôi có một ngôi nhà ông sống một mình tại đó trước lúc mất (do ông bà tôi không còn sống chung với nhau mà bố tôi bảo thực tế ông bà không có giấy đăng ký kết hôn và ông cũng không khai bà là vợ trong lý lịch của ông (Ông mất đã 18 năm)). Ông Nội tôi có 4 người con, 2 trai và 2 gái. Do bác cả tôi trong Nam nên là con trai bố tôi là người chăm lúc ông ốm đau, lúc ông bị bệnh đi viện bố tôi vay mượn tiền đứng ra lo chữa trị và mai táng cho ông lúc ông qua đời. Vì bố tôi một mình lo toan mọi thứ mà mọi người con không giúp đỡ về tài chính cho  bố tôi chính vì vậy sau khi ông mất ngôi nhà ông sống bố tôi sở hữu và mọi người không có phản đối hay khiếu kiện gì vì lúc đó giá trị ngôi nhà là không đáng kể. Sổ đỏ ngôi nhà vẫn mang tên ông tôi cho đến thời điểm hiện tại. Sau 18 năm giá trị ngôi nhà lên cao lúc đó mọi người bắt đầu lên tiếng về quyền thừa kế. Bố tôi có ý định bán sau đó chia cho 2 bác và cô tôi. Nhưng do cô tôi muốn mua với giá rẻ để để lại cho một người khác với giá cao hơn lấy lời nên đã không đồng ý cho bố tôi bán nhà cho người khác. Vì ngôi nhà là mang tên ông nên theo tôi biết thì phải được sự đồng ý của các con ông mới được quyền bán, nhưng cô tôi không đồng ý bán cho ai khác với mục đích mua lại với giá rẻ. trong khi đưa giá cao hơn thì cô không mua, mà không mua thì không cho bán cho ai nếu bán cho ai khác cô tôi sẽ đi kiện bố tôi. Vậy tôi muốn hỏi cách giải quyết sao để bố tôi bán được nhà, trong khi bố tôi là người đã bỏ ra nhiều hơn giá trị ngôi nhà cùng thời điểm lúc ông tôi mất. Mong quý luật sư có thể tư vấn giúp tôi tìm cách. Tôi xin chân thành cảm ơn

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

 

Thứ nhất, do ông không để lại di chúc cho nên ngôi nhà mà ông để lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Theo đó, di sản thừa kế của ông bạn sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất: "Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết".

 

Thứ hai, do bà nội và ông không đăng kí kết hôn và cũng không sống chung với nhau như vợ chồng cho nên bà của bạn không được coi là vợ hợp pháp của ông.

 

Cho nên những người được chia di sản là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất chỉ bao gồm 4 người con của ông. Di sản sẽ được chia ra 4 phần bằng nhau. Ngồi nhà sẽ là sở hữu chung theo phần của 4 người.

 

Theo Khoản 1,2,3 Điều 218 Bộ luật dân sự 2015 quy định về định đoạt tài sản chung:

 

Điều 218. Định đoạt tài sản chung

 

1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình.

 

2. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.

 

3. Trường hợp một chủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua.

 

Trong thời hạn 03 tháng đối với tài sản chung là bất động sản, 01 tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác. Việc thông báo phải được thể hiện bằng văn bản và các điều kiện bán cho chủ sở hữu chung khác phải giống như điều kiện bán cho người không phải là chủ sở hữu chung.

 

Trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Tòa án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.”

 

Theo Khoản 1 Điều 219 Bộ luật dân sự 2015 quy định về chia tài sản chung:

 

Điều 219. Chia tài sản thuộc sở hữu chung

 

1. Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.”

 

Theo đó các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu chia tài sản chung và bán phần tài sản của mình nhưng khi bán phần tài sản của mình sẽ ưu tiên bán cho chủ sở hữu chung khác. Nghĩa là bô, cô, 2 bác của bạn có quyền bán phần sở hữu của mình (Theo Khoản 1,2 Điều 218 nêu trên). Tuy nhiên việc bán nãy vẫn sẽ ưu tiên những người người còn lại cùng thừa kế (Theo Khoản 3 Điều 218 nêu trên). Bố bạn không có quyền tự ý bán ngôi nhà. Và việc cô bán sẽ kiện bố bạn là hoàn toàn có thể.

 

Trong trường hợp này bố bạn có thể bán phần tài sản của mình cho cô mếu cô muốn mua lại căn nhà. Nhưng nếu bố bạn thấy rẻ quá thì có thể nhờ cơ quan định giá tài sản trong trường hợp này rồi mới bán.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Lê Ngọc Linh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo