Cao Thị Hiền

Chia tài sản thuộc sở hữu chung của ông bà và bố mẹ

Chào luật sư, cháu muốn hỏi về quyền tranh chấp tài sản thuộc sở hữu chung của bố mẹ. Nội dung tư vấn như sau:


Bố cháu là con trai út trong nhà là người ở nhà của ông bà nội và lo cho ông bà. Rồi vào năm 2002 nhà đó được giải tỏa. tiền giải tỏa được 180 triệu, mua đất hết 100 triệu, còn 80 triệu mà bố cháu sợ xây nhà không đủ để gia đình cháu và bà nội ở nên bỏ thêm 120 triệu riêng của bố để xây nhà, là bố đã bỏ 40% trên tổng số tiền xây nhà. Vậy bây giờ bán nhà, bố cháu được lấy lại 40% số tiền bỏ vô năm đó, rồi 60% còn lại mới chia ra cho 6 người con, hay bố cháu chỉ được lấy lại 120 triệu thôi ạ ?
Chú giải đáp giúp cháu, cháu hi vọng nhận được mail trả lời của chú sớm. Cháu cảm ơn chú ạ.
 
Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Yêu cầu của bạn tôi xin được tư vấn như sau:

 

Căn cứ Điều 210 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

 

“Điều 210. Sở hữu chung hợp nhất

 

1. Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó, phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung.

 

Sở hữu chung hợp nhất bao gồm sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia và sở hữu chung hợp nhất không phân chia.

 

2. Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền, nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản thuộc sở hữu chung.”

 

Căn cứ quy định trên và thông tin mà bạn đã cung cấp, có thể thấy hình thức sở hữu của bố bạn và ông bà nội bạn đối với ngôi nhà được coi là hình thức sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia.

 

Do đó, việc phân chia tài sản chung sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 219 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể:

 

“Điều 219. Chia tài sản thuộc sở hữu chung

 

1. Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.

 

2. Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 

Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.”

 

Đối với việc định đoạt tài sản là ngôi nhà Điều 218 Bộ luật Dân sự quy định:

 

“Điều 218. Định đoạt tài sản chung

 

1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình.

 

2. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.

...”

 

Như vậy, trong trường hợp của bạn, việc bố bạn đóng góp tiền vào xây dựng căn nhà thuộc sở hữu chung trong gia đình, bố bạn có thể thỏa thuận với bố mẹ về phần đóng góp của mình và việc định đoạt ngôi nhà trên. Tài sản này là tài sản chung có công sức đóng góp của bố bạn và ông bà bạn. Nếu bố bạn có yêu cầu phân chia tài sản thuộc sở hữu chung thì bố bạn có thể được phân chia tài sản này theo công sức đóng góp của mỗi người.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Chia tài sản thuộc sở hữu chung của ông bà và bố mẹ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn dân sự trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
CV Nông Lan – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo