LS Vũ Thảo

Cha mẹ mất không để lại di chúc thừa kế và các người thừa kế không liên lạc được

Luật sư tư vấn về trường hợp cha mẹ mất không để lại di chúc thừa kế và các người thừa kế không liên lạc được

 

Gia đình tôi có 4 anh chị em. Người anh (con thứ nhì) sống ở Canada, đã đi sang Canada sinh sống từ năm 1975. Người em gái (con út) sống ở Pháp, không liên lạc thư từ từ 1 năm nay, mặc dù trước đó em gái tôi cũng có ý định về việc làm giấy tờ thừa kế.Tôi là con thứ ba trong gia đình, sống ở Đà Nẵng. Chị tôi là con cả, sống ở Huế. Ba mẹ mất, không để lại di chúc về thừa kế nhà đất Tôi đang làm thủ tục thừa kế ở Huế, người ta đòi phải có giấy từ chối nhận di sản thừa kế của các con ở nước ngoài. Tôi đã gửi tin nhắn cho anh tôi ở Canada nhưng không thấy hồi âm. Em gái tôi ở Pháp lại không liên lạc được. Vậy, xin luật sư cho biết thủ tục, giấy tờ, tôi phải làm sao để có thể làm giấy nghiệp chủ thừa kế mà ba mẹ để lại ở Huế? Xin trân trọng cảm ơn luật sư !

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho Công ty Luật Minh Gia. Về vấn đề của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Do ba mẹ mất không để lại di chúc về thừa kế nhà đất nên phần di chúc trên được chia theo pháp luật tại hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại điều khoản 1 điều 651 Bộ luật Dân sự 2015.

 

“1.Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”.

 

Như vậy, những được chia di sản thừa kế bao gồm tất cả các thành viên là con đẻ của bố mẹ bạn, bao gồm: Người chị ở Huế, người anh ở Canada, người em gái ở Pháp và bạn hiện ở Đà Nẵng.

 

Việc sử dụng giấy tờ và các thủ tục để bạn làm giấy nghiệp chủ thừa kế mà ba mẹ để lại thì sẽ xảy ra hai trường hợp:

 

Trường hợp 1: Nếu tất cả những thành viên còn lại liên lạc được và đều đồng ý, thống nhất trong việc để bạn quản lý và là chủ thừa kế duy nhất thì đương nhiên mảnh đất đó sẽ thuộc về bạn.

 

Trường hợp 2: Nếu không thể liên lạc được với những người anh em ở nước ngoài, người chị ở Huế đồng ý để lại mảnh đất đó cho bạn thì bạn có thể trở thành người có quyền sở hữu sau 30 năm nếu tiếp tục không liên lạc được với các người anh em còn lại ở nước ngoài theo quy định tại điều 236 Bộ luật Dân sự.

 

“Điều 236. Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật

 

Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”.

 

Tuy nhiên, trong trường hợp người chị ở Huế không đồng ý thì không thể xác lập quyền sở hữu cho bạn theo quy định tại điều 261 và hai người sẽ tiếp tục tự thỏa thuận hoặc để chờ thông tin từ những người ở nước ngoài; hoặc sau 30 năm, phần thừa kế bất động sản đó sẽ thuộc về chung 2 người con còn lại (bạn và chị ở Huế).

 

Hoặc giải quyết theo trường hợp Yêu cầu Tòa án tuyên bố mất tích hoặc tuyên bố chết khi có căn cứ theo quy định tại Điều 68 hoặc Điều 71 Bộ luật dân sự 2015:

 

"Điều 68. Tuyên bố mất tích

 

1. Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

 

Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

...

Điều 71. Tuyên bố chết

 

1. Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:

 

a) Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

 

b) Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

 

c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

 

d) Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này.

..."

 

Như vậy, nếu sau 05 năm kể từ ngày mà bạn đã áp dụng các biện pháp tìm kiếm mà vẫn không có tin tức gì về hai người đang ở nước ngoài thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố là hai người đó đã chết và sau khi có quyết định của Tòa thì phần tài sản của hai người đó sẽ là di sản thừa kế và phải chia thừa kế cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất: "vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết".

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
CV tư vấn: Trần T Lan Anh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo