Lò Thị Loan

Bố tặng đất cho con bằng miệng có giá trị pháp lý hay không?

Tặng cho đất đai là việc bên tặng cho chuyển giao đất của mình cho người khác mà không yêu cầu trả tiền. Vậy có được tặng cho đất bằng miệng không? Trường hợp bố tặng đất cho con bằng miệng mà không có lập thành văn bản thì có giá trị pháp lý hay không? Đây là thắc mắc của rất nhiều người đã liên hệ với Luật Minh Gia để được hướng dẫn. Nếu bạn cũng có thắc mắc thì hãy liên hệ với chúng tôi

1) Luật sư tư vấn quy định pháp luật về tặng cho đất đai.

Khi bạn có thắc mắc và liên hệ với Luật Minh Gia, Luật sư chúng tôi sẽ hướng dẫn, tư vấn để bạn nắm được các quy định về tặng cho đất như:

+ Nắm được các trường hợp được tặng cho đất đai;

+ Nắm được các trình tự, thủ tục phải thực hiện khi tặng cho đất đai;

+ Biết được những trường hợp nào tặng cho đất đai không hợp pháp;

Để liên hệ với chúng tôi và yêu cầu tư vấn, bạn vui lòng gửi câu hỏi hoặc Gọi: 1900.6169 , bên cạnh đó bạn có thể tham khảo thêm thông qua tình huống chúng tôi tư vấn sau đây: 

2) Quy định pháp luật về tặng cho đất đai .

Nội dung tư vấn: Thưa luật sư. Luật sư cho tôi hỏi. Năm nay bố tôi mất nhưng không để lại di chúc. Nhà tôi có 6 người.Trước  ông có chia phần tài sản cho 2 anh trai và 1 chị gái nhưng chỉ nói miệng không có giấy tờ chứng minh. Trong quá trình nằm viện điều trị ông lại muốn bán hết để chia cho đồng đều nhưng 3 anh chị ấy không đồng ý. Chừ ông mất đi không có di chúc thì phần tài sản được chia như thế nào ạ.Vàng bạc ông chôn anh chị ấy đã đào hết lên có tính là của chung không ạ. Nếu xảy ra tranh chấp phải gửi khiếu nại đến cơ quan nào ạ. Anh chị ấy có tự ý làm sổ đỏ được không . Nhờ luật sư hỗ trợ. Cảm ơn luật sư rất nhiều ạ.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, vấn đề của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ vào thông tin mà bạn cung cấp, bố của bạn có một mảnh đất nhưng trước đó bố bạn đã chia cho 2 anh trai và 1 chị gái của bạn, tuy nhiên việc tặng cho chỉ nói bằng miệng, không có lập thành văn bản. Theo quy định tại Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc tặng cho bất động sản như sau:

“1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.

2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản”.

Theo đó, việc tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực hoặc phải đăng ký. Đối với trường hợp của bạn, bố bạn chỉ nói tặng đất cho con bằng miệng mà không xác lập thành văn bản nên không có giá trị pháp lý. Do đó, khi bố của bạn mất thì tài sản này sẽ được chia thừa kế theo quy định của pháp luật.

Căn cứ theo quy định tại Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về những trường hợp thừa kế theo pháp luật như sau:

“1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản

...”.

Khi bố bạn mất không có để lại di chúc, nên phần quyền sử dụng đất trên sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Ngoài ra, bố bạn còn có vàng bạc chôn thì di sản này cũng sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Những người thuộc hàng thừa kế được xác định theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

...

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Theo đó, những người ở hàng thừa kế thứ nhất bao gồm mẹ bạn, bố mẹ của bố bạn, các con của bố bạn mỗi người sẽ được hưởng một phần di sản thừa kế bằng nhau. Do vậy, 2 anh trai và 1 chị gái của bạn không thể tự mình hưởng toàn bộ di sản trên vì cho rằng bố đã tặng cho và hiện nay anh chị bạn cũng không tự ý xin cấp sổ đỏ được. Trong trường hợp những người thừa kế không thỏa thuận được thì có làm đơn khởi kiện gửi đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất để yêu cầu giải quyết tranh chấp di sản thừa kế.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo