Hoàng Tuấn Anh

Bác ruột xây nhà trái phép trên đất bà nội để lại cho cháu

Bố em sinh sống trên mảnh đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1990, nguồn gốc đất từ bà nội của bố. Năm 2000, con ruột bà nội đổ vật liệu xây nhà trên mảnh đất đó thì bố em làm đơn khởi kiện việc bác xây nhà trái phép trên đất người khác được không?

 

Nội dung câu hỏi: Gia đình em sinh sống trên mảnh đất được nhà nước cấp GCN QSDD năm 1990 (trước kia đất này là của cố (bà nội cha em) để lại vì cha em sống chung với bà cố). Năm 2000 cha em bị bệnh phải điều trị dài ngày tại bệnh viện (khoảng 3 tháng). Ở nhà con ruột của bà cố em đổ vật liệu xây nhà trên mảnh đất đó, khi mẹ em về nói thì người ta bảo là đất của mẹ người ta nên xây không ai được quyền cấm. Khi cha em về thấy vậy cũng không làm gì được, ấm uất rồi suy nghỉ này nọ đổ bệnh tâm thần đi điều trị tại nhiều bệnh viện tâm thần. Mẹ em thấy không ổn nên về quê ngoại xin đất ở cho đến nay. Đến thời điểm hiện tại căn nhà vẫn còn trên đất nhà em. Vậy luật sư tư vấn giúp em: Bây giờ em muốn làm đơn khởi kiện những người đó xây nhà trái phép trên đất người khác được không? Nếu gửi thì nên gửi tại ủy ban xã hay phải tại tòa án huyện. Và nội dung kiện em có được quyền khiếu nại nguyên nhân vì vấn đề này mà cha em lâm bệnh nặng tổn hại tinh thần từ năm 2000 đến nay, và được nhà nước trợ cấp thương tật về thần kinh.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo như thông tin bạn của bạn, gia đình bạn sinh sống trên mảnh đất được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (QCNQSD) đất năm 1990. Do bạn không cung cấp, mảnh đất được cấp GCNQSD đất do ai đứng tên nên có thể xét các trường hợp như sau:

 

Trường hợp 1: Bố bạn (ông A) được cấp GCNQSD đất theo diện được bà nội đồng ý tặng cho quyền sử dụng đất hoặc được hưởng theo diện thừa kế đúng quy định của pháp luật. Có giấy tờ chứng minh có hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất hoặc di chúc của bà nội để lại cho bố bạn. Khi đó, ông A được hưởng quyền lợi hợp pháp trên đất được giao theo quy định của luật đất đai. Theo Điều 3 Luật đất đai 1987, ông A có các quyền cụ thể như sau:

 

Nhà nước bảo đảm cho người sử dụng đất được hưởng những quyền lợi hợp pháp trên đất được giao, kể cả quyền chuyển, nhượng, bán thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất được giao khi không còn sử dụng đất và đất đó được giao cho người khác sử dụng theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định”.

 

Theo quy định trên, giấy chứng nhận cấp cho hộ gia đình, cá nhân, đất thì người đó được toàn quyền thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Con của bà nội (ông B) nếu muốn đòi lại đất thì phải có căn cứ chứng minh mình có quyền lợi trên mảnh đất đó, nếu ông B không chứng minh được mà tự ý đổ vậy liệu xây dựng để xây nhà trên đất của ông A là trái quy định pháp luật.

 

Ông A hoàn toàn có quyền yêu cầu ông B phá dỡ ngôi nhà đang xây dựng hoặc yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích cho mình.

 

Do đó, ông A có thể nộp đơn yêu cầu UBND xã/phường tiến hành hòa giải tranh chấp giữa ông A và ông B. Nếu hòa giải thành thì 2 bên sẽ thực hiện theo biên bản hòa giải thành đó, nếu không hòa giải thành thì có thể tiến hành yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

 

Căn cứ Điều 203 Luật đất đai năm 2013 quy định Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai:

 

Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

 

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

...". 

 

Vì ông A có QCNQSD đất đứng nên ông A có thể tiến hành nộp đơn khởi kiện hành vi xây dựng nhà rái phép của ông B. Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất có thẩm quyền thụ lý đơn và giải quyết. 

 

Trường hợp 2: Nếu ông A tự ý làm GCNQSD đất mà không có sự đồng ý của bà nội về việc tặng cho quyền sử dụng đất hay được hưởng theo diện thừa kế theo quy định của pháp luật. Thì khi bà nội mất không có di chúc, xác định đất mà ông A được cấp GCNQSD đất có nguồn gốc từ bà nội, ông B có quyền yêu cầu hưởng một phần quyền sử dụng đất theo diện thừa kế quy định cụ thể tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

 

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

 

Theo quy định trên, ông B là con bà nội thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng một xuất thừa kế là quyền sử dụng đất từ di sản thừa kế là mảnh đất của bà nội, thì ông B có quyền yêu cầu Tòa án nơi có đất để chia thừa kế và hưởng phần thừa kế theo quy định pháp luật.

 

Tuy nhiên, nếu ông A cũng được hưởng phần thừa kế về quyền sử dụng đất trên, thì có quyền yêu cầu ông B phá dỡ phần diện tích xây trên phần diện tích đất được hưởng hoặc yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích cho mình.

 

Ngoài ra, khi làm đơn khởi kiện bạn muốn yêu cầu thêm là từ vụ việc ông B đòi xây nhà trên đất trên mà ông A lâm bệnh nặng tổn hại tinh thần từ năm 2000 đến nay và được nhà nước trợ cấp thương tật về thần kinh tức là có thêm yêu cầu bồi thường từ phía ông B.

 

Theo Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

 

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

 

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

…”.

 

Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm:

 

“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

 

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

 

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.

 

Theo đó, nếu ông B có hành vi xâm phạm đến tài sản, sức khỏe của ông A mà gây thiệt hại thì ông A có quyền yêu cầu ông B bồi thường thiệt hại cho mình. Người chịu trách nhiệm bồi thường phải bồi thường thiệt hại và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Lê Phương Thảo - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo