Đinh Thị Minh Nguyệt

Học hàm học vị là gì? Lương theo học hàm quy định thế nào?

Ngày nay các thuật ngữ như học hàm, học vị, chức danh khoa học xuất hiện ngày càng nhiều và phổ biến. Tuy vậy, nhiều người vẫn nhầm lẫn cũng như gặp khó khăn trong việc phân biệt những thuật ngữ này. Để tìm hiểu cụ thể vấn đề này, quý bạn đọc có thể theo dõi bài viết dưới đây của công ty Luật Minh Gia.

1. Học hàm, học vị là gì?

Hệ thống phân cấp trình độ giáo dục chuyên môn ở Việt Nam hiện nay bao gồm học vị và học hàm.

Học hàm được định nghĩa là một chức danh do Hội đồng chức danh Giáo sư Việt Nam hoặc các cơ quan nước ngoài bổ nhiệm cho người có năng lực, đang làm công tác giảng dạy hoặc nghiên cứu. Bao gồm 2 chức danh đó là: Phó giáo sư và Giáo sư. Đây là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở cơ sở giáo dục đại học đáp ứng tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư do cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm. Hai chức danh này hoàn toàn độc lập và không liên quan đến nhau.

Để được bổ nhiệm với chức danh Phó giáo sư hoặc Giáo sư, người được bổ nhiệm cần đáp ứng các tiêu chuẩn chung được quy định tại Điều 4 Quyết định 37/2018/QĐ-TTg như sau:

“1. Không vi phạm đạo đức nhà giáo, không đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên hoặc thi hành án hình sự; trung thực, khách quan trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động chuyên môn khác.

2. Thời gian làm nhiệm vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên:

a) Có đủ thời gian làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ đại học trở lên theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Quyết định này đối với chức danh giáo sư; khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Quyết định này đối với chức danh phó giáo sư;

b) Thời gian giảng viên làm chuyên gia giáo dục tại cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài được tính là thời gian đào tạo từ trình độ đại học trở lên nếu có công hàm hoặc hợp đồng mời giảng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, trong đó ghi rõ nội dung công việc, thời gian giảng dạy hoặc có quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi làm chuyên gia giáo dục ở nước ngoài;

c) Giảng viên đã có trên 10 năm liên tục làm nhiệm vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ mà trong 03 năm cuối có thời gian không quá 12 tháng đi thực tập, tu nghiệp nâng cao trình độ thì thời gian này không tính là gián đoạn của 03 năm cuối.

3. Hoàn thành nhiệm vụ được giao và thực hiện đủ số giờ chuẩn giảng dạy theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có ít nhất 1/2 số giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp. Đối với giảng viên thỉnh giảng phải thực hiện ít nhất 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy quy định tại khoản này.

Người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học nhận xét, đánh giá bằng văn bản về các nhiệm vụ giao cho giảng viên, trong đó ghi rõ tên môn học, trình độ đào tạo, bồi dưỡng, mức độ hoàn thành khối lượng giảng dạy, hướng dẫn luận án, luận văn, đồ án hoặc khóa luận; về kết quả đào tạo và nghiên cứu của giảng viên.

4. Sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh.

5. Có đủ số điểm công trình khoa học quy đổi tối thiểu theo quy định tại khoản 9 Điều 5 Quyết định này đối với chức danh giáo sư và khoản 8 Điều 6 Quyết định này đối với chức danh phó giáo sư.”

Học vị được định nghĩa là văn bằng xác nhận đã hoàn thành chương trình học do một cơ sở giáo dục hợp pháp trong nước cấp

Các chức danh của học vị được phân loại từ thấp đến cao như sau:

- Nhóm 1: Cử nhân, kỹ sư hoặc các chức danh chuyên ngành liên quan.

Điều kiện:

+ Cử nhân: Người tốt nghiệp Đại học các khối ngành văn hóa xã hội.

+ Kỹ sư: Người tốt nghiệp Đại học các khối ngành Kỹ thuật.

+ Bác sĩ, dược sĩ,…: Người tốt nghiệp Đại học các khối ngành y tế.

+ Một số chức danh khác.

- Nhóm 2: Thạc sĩ (tương đương Bác sĩ chuyên khoa I trong ngành y).

Điều kiện: Sau khi tốt nghiệp Đại học tiếp tục học cao học trong nước hoặc nước ngoài và nghiên cứu phát triển khóa luận Đại học chuyên sâu hơn.

- Nhóm 3: Tiến sĩ (tương đương Bác sĩ chuyên khoa II trong ngành y).

Điều kiện: Tốt nghiệp thạc sĩ và đăng ký thi nghiên cứu sinh và tham gia bảo vệ đề tài nghiên cứu, đồng thời có ít nhất 2 bài báo được đăng trên tạp chí chuyên ngành.

- Nhóm 4: Tiến sĩ khoa học

Điều kiện: Tiếp tục nghiên cứu đề tài rộng hơn sau khi tốt nghiệp tiến sĩ.

2. Lương theo học hàm quy định thế nào?

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 10 Thông tư 40/2020/TT-BGDDT quy định về cách xếp lương như sau:

“Các chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy quy định tại Thông tư này được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể như sau:

a) Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

b) Chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;

c) Chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), trợ giảng (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.”

Việc xếp lương chức danh nghề nghiệp thực hiện sau khi đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp quy định tại Thông tư 40/2020/TT-BGDDT này thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2007/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật.

Như vậy, hệ số lương áp dụng với phó giáo sư (nhóm A2.1) là từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78, hệ số lương áp dụng với giáo sư (nhóm A3.1) là từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo