LS Thanh Hương

Hồ sơ cộng nối BHXH gồm những giấy tờ gì?

Luật sư tư vấn về trường hợp quân nhân xuất ngũ muốn thực hiện cộng nối BHXH thì được giải quyết trong trường hợp nào, cần những giấy tờ gì và những vấn đề pháp lý liên quan.

Câu hỏi: Kính gửi Văn phòng Luật Minh Gia,Xin chào các Luật sư, Tôi xin được nhờ các Luật sư tư vấn giúp tôi một vấn đề sau ạ:Hiện tại tôi đang làm thủ tục liên quan đến Chế độ bảo hiểm xã hội khi nghỉ hưu, đó là thực hiện việc nối thời gian khi tôi công tác trong quân ngũ vào sổ bảo hiểm xã hội. Tôi đã chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ theo quy định bên Bảo hiểm yêu cầu như: Quyết định ra quân, Lý lịch Đảng viên, Đơn xác nhận của phòng LĐTBXH quận, Giấy xác nhận của Ban CHQS quận  và các giấy tờ liên quan đến thời gian quân ngũ. Tuy nhiên bên Bảo hiểm yêu cầu phải xin thêm Danh sách trích ngang đợt ra quân. Tôi đã làm việc với các đơn vị liên quan nhưng không xin được Danh sách đó!Vậy nên tôi xin phép được hỏi các Luật sư để nhờ các Luật sư tư vấn và xác nhận giúp tôi theo quy định Luật hiện hành thì có quy định nào yêu cầu khi làm các thủ tục nối thời gian công tác trong quân ngũ vào sổ bảo hiểm xã hội bắt buộc phải có Danh sách trích ngang không ạ?Tôi xin chân thành cảm ơn các Luật sư, cảm ơn Văn phòng Luật Minh Gia!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

 

Khoản 6 Điều 123 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:

“ Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Việc tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để được hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, và công an nhân dân.”

 

Theo đó, khi bạn có thời gian tham gia quân ngũ mà chưa được giải quyết trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và được cộng nối vào thời gian đóng BHXH để giải quyết chế độ hưu trí.

 

Do thông tin bạn cung cấp không thể hiện rõ bạn công tác trong đơn vị nào, đồng thời thời gian tham gia quân ngũ của bạn bắt đầu từ năm bao nhiêu, nên chúng tôi không thể cung cấp cho bạn câu trả lời cụ thể hơn trong trường hợp này. Bạn có thể tham khảo quy định về cộng nối thời gian đóng BHXH theo quy định tại Khoản 5, Điều 46 – Quyết định 595/QĐ-BHXH như sau:

 

"5. Người lao động có thời gian công tác trước năm 1995 được tính là thời gian công tác liên tục (chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, BHXH một lần) chưa được cấp sổ BHXH, khi cấp sổ BHXH nộp hồ sơ quy định tại Mục 1, 2 Phụ lục 01 kèm theo Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS)."

 

Trong đó, phụ lục 01 của Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định về các loại giấy tờ làm căn cứ để cấp, ghi, điều chỉnh sổ BHXH:

 

1. Cộng nối thời gian nhưng không phải đóng BHXH

 

1.1. Trường hợp cấp và ghi xác nhận thời gian đóng BHXH cho người lao động có thời gian công tác trước năm 1995 (không bao gồm người bị kỷ luật buộc thôi việc hoặc tự ý bỏ việc, bị phạt tù giam trước ngày 01/01/1995), hồ sơ bao gồm:

 

a) Lý lịch gốc và lý lịch bổ sung (nếu có) của người lao động, quyết định tiếp nhận, hợp đồng lao động, các giấy tờ có liên quan khác như: quyết định nâng bậc lương, quyết định điều động hoặc quyết định chuyển công tác, quyết định phục viên xuất ngũ, chuyển ngành, giấy thôi trả lương….;

 

b) Đối với người nghỉ chờ việc từ tháng 11/1987 đến trước ngày 01/01/1995: hồ sơ như điểm a, thêm Quyết định nghỉ chờ việc và Danh sách của đơn vị hoặc các giấy tờ xác định người lao động có tên trong danh sách của đơn vị đến ngày 31/12/1994.

 

- Trường hợp không có quyết định nghỉ chờ việc thì phải có xác nhận bằng văn bản của thủ trưởng đơn vị tại thời điểm lập hồ sơ đề nghị cấp sổ BHXH, trong đó đảm bảo người lao động có tên trong danh sách của đơn vị tại thời điểm có quyết định nghỉ chờ việc và chưa hưởng các khoản trợ cấp một lần.

 

- Trường hợp đơn vị đã giải thể thì do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp xác nhận.

 

Từ quy định trên, bạn có thể xác định những giấy tờ phải nộp để hoàn thiện thủ tục cộng nối thời gian đóng BHXH. Việc cơ quan BHXH yêu cầu cung cấp thêm lý lịch trích ngang có thể do thông tin trong hồ sơ ban đầu không đủ để giải quyết thủ tục cho bạn, nếu đã làm việc với các đơn vị liên quan nhưng vẫn không xin được lý lịch trích ngang thì bạn có thể hiện hệ lại với cơ quan BHXH để xác định rõ nội dung họ cần cung cấp, từ đó dễ dàng xác định cơ quan nào có đủ thẩm quyền cung cấp cho bạn thông tin này.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169