Hiểu thế nào về tháng trước liền kề?
Câu hỏi:
Tôi nghỉ hưu đã gần được x năm. Cụ thể nghỉ từ ngày 01-11-20xx. Tôi có một thắc mắc nhờ luật sư chỉ giúp: Trước khi nghỉ hưu doanh nghiệp có cho tôi thanh toán tiền phép năm chưa nghỉ nhưng lại lấy tháng liền kề là tháng 9 chứ không phải tháng 10.
Tôi có thắc mắc thì cán bộ tiền lương và lãnh đạo DN bảo tôi nghỉ hưu từ tháng 11 nên không tên trong danh sách lao động. Do đó lấy tháng 9 là tháng liền kề tháng 10 (tháng còn tên trong danh sách lao động). Tôi xin nói thêm :lương tối thiểu tháng 9 và tháng 10 khác nhau. Vậy cách hiểu như thế nào theo luật? Rất mong luật sư trả lời giúp. Tôi xin cám ơn.
Trả lời:
Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của chị chúng tôi tư vấn như sau:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 thì: “Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.”
Như vậy, khi nghỉ hưu mà chưa nghỉ hết số ngày nghỉ phép hằng năm thì công ty có trách nhiệm thanh toán tiền lương của những ngày phép còn lại cho chị.
Tại Khoản 3 Điều 67 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể về vấn đề này như sau:
“3. Tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm theo khoản 3 Điều 113 của Bộ luật Lao động là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề tháng người lao động thôi việc, bị mất việc làm.”
Đối chiếu vào trường hợp của chị, chị nghỉ hưu vào ngày 01/11 thì tiền lương làm căn cứ trả cho chị những ngày nghỉ phép phải là tiền lương của tháng trước liền kề của tháng 11, tức là tháng 10.
Do đó, công ty lấy tiền lương tháng 09 làm căn cứ thanh toán cho chị là không đúng với quy định pháp luật.
Trân trọng!
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất