Hiểu thế nào về hành vi phòng vệ chính đáng theo pháp luật hình sự?
Con xin chào luật sư! con về quê bạn gái chơi, hôm đó mẹ bạn gái con có giằng 3 con bò trên thửa ruộng trỗi ( ruộng khô không canh tác) thì bị một ông 40 tuổi trong xóm đem bình thuốc diệt cỏ đến phun xuống ruộng rồi phun vào đàn bò ( dù ruộng không phải của ông ta). Mẹ bạn gái con thấy vây liền ra nói phải trái thì bị người này dùng những lời tục tĩu thách thức bà làm được gì tôi, còn nói bà như vậy nên trời mới vật đi một đứa rồi ( anh 2 bạn bạn gái con mất đã 7 năm rồi vì tai nạn giao thông) .
Vì quá bức xúc vì ông ta xúc phạm tới người đã mất nên mẹ và bạn gái con tới xô đẩy ông ta thì bị ông này cầm đá ném mạnh vào nhưng không trúng, lúc đó con ở trong nhà chạy ra cũng thấy ông ấy ném không trúng nên ông ấy vơ cục đá thứ 2 thì con chạy vào dùng tay không đánh vào mặt ông ta vì quá bức xúc và cũng sợ ông ấy ném trúng mẹ với bạn gái con. Trong lúc xô xát thì con bị ông ta cầm đá đánh vào tay, mặt, sau gáy, còn ông ta thì bị con đấm vào mặt . Sau đó cả 2 cùng té xuống ông ta nằm trên người con rồi nói giờ ta giết mi, trong tay vẫn cầm đá giơ lên đánh con nhưng con ôm chặt ông ấy nên ông ấy không đánh được , lúc đó mọi cũng vừa đến can ngăn gỡ cục đá từ tay ông ta rồi cả cùng buông ra. Ông ta bị thâm mắt với rách một miếng nhỏ trên đầu gây chảy máu, còn con bị xước ở cánh tay, gáy , má với mũi bị sưng. Ông ta nằm xuống ăn vạ rồi gọi công an tới làm việc, lấy lời khai xong thì công an bảo ông ta xuống bệnh viện điều trị làm giám định thương tích, con với mẹ và bạn gái bị mời về đồn làm việc rồi họ cho về. Giờ ông ấy đòi bồi thường 1 triệu rưỡi tiền viện phí ( ông ta bị thâm mắt với khâu 3 mũi ở trán) không họ kiện con tội cố ý gây thương tích, nhưng con không chịu bồi thường vì nghĩ ông ấy sai phun thuốc không đúng quy định lại còn đánh người nữa mà đòi con bồi thường trong lúc con cũng bị thương tích nhưng con điều trị tại nhà. Luật sư cho con hỏi sự việc như vậy con có được gọi là tự vệ chính đáng không, nếu không thì sự việc này phân xử như thế nào ạ?
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:
Căn cứ theo quy định tại điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015 về phòng vệ chính đáng. Cụ thể:
Điều 22. Phòng vệ chính đáng
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Theo đó về bản chất phòng vệ chính đáng phải là hành vi chống trả một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm, hành vi này mang tính chất tức thời làm cản trở hành vi xâm phạm trực tiếp đến lợi ích của mình của người khác, của Nhà nước, cơ quan, tổ chức. Đối chiếu với trường hợp của bạn mặc dù hành vi của ông hàng xóm là hành vi xâm phạm đến tài sản và thân thể của mẹ bạn của bạn. Tuy nhiên, cần xem xét sự việc khi đó có tác động trực tiếp đến bạn hay không và có bắt buộc phải lựa chọn phương thức bạo lực để ngăn chặn hay còn nhiều sự lựa chọn khác để chấm dứt giằng co giữa đôi bên. Do đó chỉ khi hành vi của bạn mang tính chất buộc phải thực hiện để ngăn chặn hậu quả và để đảm bảo lợi ích của mình, không còn lựa chọn khác thay thì mới có căn cứ được xác định là hành vi phòng vệ chính đáng. Theo đó, để xác định là hành vi được coi là phòng vệ chính đáng hay vượt quá hành vi phòng vệ chính đáng cần căn cứ vào quá trình điều tra và trên cơ sở kết luận điều tra từ phía cơ quan có thẩm quyền để nhận định/
+ Trường hợp được xác định là phòng vệ chính đáng thì bạn không phải chịu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra căn cứ theo quy định tại điều 594 Bộ luật dân sự năm 2015 thì khi xác định là phòng vệ chính đáng thì bạn không phải thực hiện bồi thường thiệt hại cho đối tượng còn lại.
Điều 594. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
+ Trường hợp vượt quá phòng vệ chính đáng thì dựa vào mức độ lỗi và hậu quả thì có thể bị xử lý hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra có thiệt hại thực tế nên có thể thỏa thuận về bồi thường thiệt hại.
Thứ nhất, xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ - CP. Cụ thể:
Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;
....
Thứ hai, trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Hai gia đình thỏa thuận về mức bồi thường thiệt hại dựa trên thiệt hại thực tế, lỗi các bên căn cứ theo quy định tại điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015. Cụ thể:
Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Thứ ba, về vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để có thể khởi tố về tội cố ý gây thương thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 cần xem xét hành vi của bạn có đủ cấu thành tội này hay không khi này phụ thuộc vào kết luận của phía Cơ quan điều tra dựa trên mức độ lỗi, tỉ lệ phần trăm thương tích, tổn thương cơ thể.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng!
Phòng luật sư tư vấn Hình sự - Công ty Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất