Luật gia Nguyễn Nhung

Hết thời hiệu khởi kiện có quyền khởi kiện nữa hay không?

Thời hiệu khởi kiện là gì? Khi hết thời hiệu khởi kiện theo quy định của pháp luật, các bên có quyền tiến hành khởi kiện hay không? Quyền và nghĩa vụ của các bên được xác định như thế nào khi hết thời hạn khởi kiện? … Luật Minh Gia giải đáp các vấn đề trên như sau:

1. Luật sư tư vấn về thời hiệu khởi kiện trong tố tụng dân sự

Thời hiệu khởi kiện là một khoảng thời gian theo quy định của pháp luật mà khi hết thời gian đó (khi có yêu cầu) tòa án sẽ không tiến hành giải quyết tranh chấp của các bên. Hiện nay, Thời hiệu khởi kiện dân sự được quy định chủ yếu tại Bộ luật dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự. Mỗi loại tranh chấp được quy định một thời hiệu khách nhau.

Nếu bạn đang có vấn đề cần tư vấn về thời hiệu khởi kiện trong tố tụng dân sự, hãy gửi câu hỏi của mình về Email của công ty Luật Minh Gia để được các Luật sư, chuyên viên pháp lý hướng dẫn tư vấn chi tiết như:

- Quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện dân sự;

- Quyền và nghĩa vụ của các bên khi hết thời hiệu khởi kiện vụ án hình sự;

- Tư vấn quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống tư vấn dưới đây để có thêm các thông tin tư vấn về thời hiệu khởi kiện và đối chiếu với trường hợp của mình.

2. Hỏi về thời hiệu khởi kiện trong dân sự

Nội dung câu hỏi tư vấn: Tôi là công nhân của một Công ty cổ phần. Công tác và tham gia đóng BHXH được 15 năm 4 tháng. Vì điều kiện sức khỏe, ngày 25/4/2012 tôi đã nộp đơn xin chấm dứt HĐLĐ với Công ty, trong đơn tôi cũng đề nghị Công ty phải giải quyết các chế độ cho tôi theo đúng quy định của nhà nước. Sau khi nộp đơn tôi đã nghỉ việc và không đến Công ty làm việc nữa. Đến ngày 25/05/2012 Công ty ra quyết định chấm dứt HĐLĐ có hiệu lực từ ngày 1/6/2012. Trong quyết định không đề cập chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho tôi. Sau khi nhận quyết định, ngày 22/6/2012 tôi đã nộp đơn đề nghị Công ty trả trợ cấp thôi việc cho tôi nhưng Công ty không giải quyết và cũng không có văn bản trả lời. Đến ngày 21/6/2013 và 31/5/2014 tôi lại tiếp tục có đơn lên Công ty vẫn cùng nội dung đề nghị Công ty chi trả trợ cấp thôi việc cho tôi nhưng Công ty vẫn tiếp tục không giải quyết và không có văn bản trả lời. Ngày 02/06/2014 tôi đã gửi đơn khởi kiện ra tòa án Huyện yêu cầu Công ty phải chi trả trợ cấp thôi việc cho tôi nhưng tòa án Huyện đã đình chỉ vụ án do hết thời hiệu khởi kiện. Vậy tôi xin phép hỏi: Tòa án Huyện xử lý như thế có đúng không? Thời hiệu khởi kiện của tôi được tính từ ngày nào đến ngày nào thì hết thời hiệu khởi kiện? Liệu tôi có nên kháng cáo nữa hay không? Rất mong có câu trả lời cụ thể chi tiết.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh gia, trường hợp này chúng tôi xin tư vấn như sau:

Trường hợp chấm dứt HĐLĐ theo khoản 9 Điều 36 và được hưởng trợ cấp thôi việc căn cứ theo khoản 1 Điều 48 Luật lao động năm 2012 quy định cụ thể như sau:

Điều 36. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động

9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này.

Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

Điều 48. Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

Nếu trường hợp của bạn đủ những điều kiện để được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định trên mà không được Công ty chi trả tiền trợ cấp thôi việc thì bạn có quyền làm đơn khởi kiện gửi đến Tòa án.

Thời hiệu khởi kiện ở đây không được hiểu là thời hiệu thụ lý đơn, mà phải được hiểu là bên có nghĩa vụ được miễn trừ nghĩa vụ khi đó hết thời hạn mà họ phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Còn quyền khởi kiện là quyền cơ bản của các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự và Toà án luôn có trách nhiệm phải thụ lý đơn khởi kiện và không được lấy lý do thời hiệu khởi kiện hết để từ chối thụ lý đơn khởi kiện khi có yêu cầu. Nếu thấy thời hiệu khởi kiện đã hết thì tùy theo từng trường hợp mà Tòa án giải quyết theo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định về thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm. Trường hợp này, xem xét tình hình thực tế, Tòa có thể đưa ra xét xử hoặc đình chỉ vụ án.

Theo Luật tố tụng dân sự năm 2004 về thời hiệu khởi kiện thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm theo quy định tại Điều 159 cụ thể như sau:

Điều 159. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu

1. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Thời hiệu yêu cầu là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Trong trường hợp pháp luật không có quy định khác về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu được quy định như sau:

a) Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm;

b) Thời hiệu yêu cầu để Toà án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu.

Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau:

Điều 192. Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:

a) Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;

b) Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản mà không có cá nhân, cơ quan, tổ chức nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;

c) Người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Toà án chấp nhận hoặc người khởi kiện không có quyền khởi kiện;

d) Cơ quan, tổ chức rút văn bản khởi kiện trong trường hợp không có nguyên đơn hoặc nguyên đơn yêu cầu không tiếp tục giải quyết vụ án;

đ) Các đương sự đã tự thoả thuận và không yêu cầu Toà án tiếp tục giải quyết vụ án;

e) Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt;

g) Đã có quyết định của Toà án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;

h) Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.

2. Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, xoá tên vụ án đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự nếu vụ án thuộc trường hợp trả lại đơn khởi kiện quy định tại Điều 168 của Bộ luật này.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169