LS Hồng Nhung

HĐ tặng cho QSDĐ của ông cho cháu cần phải có sự đồng ý của các con không?

Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất của ông nội cho cháu dưới hình thức miệng có được không? Hợp đồng tặng cho có cần các con đồng ý hay không? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Nội dung tư vấn: Hôm nay em viết mail gửi bên quý công ty nhờ các anh chị tư vấn giúp em một số việc như sau: Hiện tại ông nội của em có cho em của em tên LTG một mảnh đất để xây nhà có chiều ngang là 6m chiều dài là 34m đất hoa màu. Hiện tại em không thể đăng kí quyền sử dụng đất với UBND xã là bởi đất không đủ diện tích đăng kí. Em có xin ông nội giấy viết tay tặng có chữ kí của 3 chú (ông nội em có 4 người con, ba em là con cả và hiện đã mất) và ông nội. Ông nội chỉ đồng ý làm giấy khi 3 chú chịu kí tên vào tờ giấy đó. Nhưng các chú không chịu làm giấy cho.

Hiện tại, em cần bên mình tư vấn giúp em em phải làm như thế nào để có thể giữ được mảnh đất đó. Ông nội đã cho em xây nhà trên đất đó mà chỉ nói miệng. Chưa có giấy tờ gì. Quý công ty mình có thể tư vấn giúp em. Vì 3 chú còn lại của em có thể sẽ giành nhau miếng đất này nếu ông nội em mất.

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ thông tin mà bạn đã cung cấp, trường hợp ông nội bạn muốn tặng cho quyền sử dụng đất cho bạn thì cần phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013:

 

“1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

 

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

 

b) Đất không có tranh chấp;

 

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

 

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

 

2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.

 

3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.”

 

Đồng thời, hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất cũng cần phải được công chứng theo quy định tại Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai:

 

“3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

 

a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;

 

b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;

 

c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;

 

d) Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.”

 

Như vậy, nếu mảnh đất là tài sản riêng của ông nội bạn thì ông nội bạn có quyền tặng cho quyền sử dụng đất cho bất kì ai, miễn là đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Khi đó, hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất chỉ cần có chữ ký của ông nội bạn. Trường hợp mảnh đất là tài sản chung của ông nội bạn và các chú thì khi chuyển nhượng mảnh đất, hợp đồng chuyển nhượng cần phải có chữ ký của tất cả những người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, giữa bạn và ông nội cần xác lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định; sau đó tiến hành sang tên chuyển nhượng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đảm bảo không xảy ra tranh chấp sau này.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng 

Phòng Luật sư tư vấn Luật Đất đai - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn