LS Vy Huyền

Hành vi lấy hàng của công ty dược phẩm bán sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự như thế nào?

Luật sư tư vấn về hành vi lấy hàng của công ty dược phẩm bán sẽ bị xử lý như thế nào? Nếu người vi phạm bỏ trốn thì gia đình ( ba, mẹ) người vi phạm có chịu trách nhiệm trước pháp luật không? Còn nếu người vi phạm bị truy tố trách nhiệm hình sự bị đi tù thì có phải thanh toán số tiền nợ công ty dược không? Bố mẹ người vi phạm có phải đứng ra chịu trách nhiệm chi trả thay người vi phạm không?

 

Nội dung tư vấn: Dear, các bạn luật sư của Công ty Luật Minh Gia vui lòng cho em hỏi với ạ.Nếu mua hàng của công ty dược phẩm bán (mua đi bán lại ) mà thanh toán tiền lại cho công ty thì sao ạ.Số tiền lên tới 285.314.147 đồng ạ.Nếu người vi phạm bỏ trốn thì gia đình ( ba, mẹ) người vi phạm có chịu trách nhiệm trước pháp luật không ạ ( có phải thay người vi phạm trả nợ không ạ). Người vi phạm sinh năm 1980.Còn nếu người vi phạm bị truy tố trách nhiệm hình sự bị bỏ tù thì có phải thanh toán số tiền nợ công ty dược không ạ. Hay bố mẹ người vi phạm có phải đứng ra chịu trách nhiệm chi trả thay người vi phạm không ạ ( người vi phạm còn nằm trong hộ khẩu gia đình ạ).Mong được sự phản hồi sớm của quý công ty ạ!Em xin chân thành cảm ơn rất nhiều.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Đối với trường hợp của bạn, do bạn chưa nói rõ người mua hàng của công ty dược phẩm bán mà thanh toán lại tiền cho công ty là nhân viên của công ty hay không phải là nhân viên của công ty cho nên sẽ chia làm 2 trường hợp như sau:
 

Thứ nhất, người mua hàng công ty dược phẩm bán( mua đi bán lại) mà thanh toán lại tiền cho công ty là nhân viên của công ty:

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 175 về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:

 

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

 

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

 

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

 

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

Đối với trường hợp này, người nhân viên này đã có hành vi lạm dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản của công ty. Đối với trường hợp này, Người nhân viên này đã có hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản khi công ty giao nhiệm  vụ quản lý tài sản của công ty với số tiền 285.314.147 đồng do đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lam dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Khoản 3, Điều 175 của Bộ luật hình sự năm 2015.

 

Thứ hai, người mua hàng công ty dược phẩm bán( mua đi bán lại) mà thanh toán lại tiền cho công ty không phải là nhân viên của công ty:

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 173 về Tội trộm cắp tài sản của Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:

 

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

...

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

 

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

...

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

....

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

 

Đối với trường hợp này của bạn, Người này không phải là nhân viên của công ty mà tự ý lén lút  nhằm chiếm đoạt tài sản của công ty. Do đó, người này có hành vi trộm cắp tài sản chiếm đoạt tài sản của công ty. Do đó, Người có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản số tiền 285.314.147 đồng của công ty phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo Khoản 3, Điều 173 của Bộ luật hình sự năm 2015.

 

Thứ ba, Về việc người vi phạm bỏ trốn thì gia đình ( ba, mẹ) người vi phạm có chịu trách nhiệm trước pháp luật:

 

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 19 về Không tố giác tội phạm quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:

 

2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.

 

Đối với trường hợp này, Nếu người vi phạm bỏ trốn thì gia đình ( ba, mẹ) người vi phạm không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật kể cả gia đình ( ba, mẹ) người vi phạm biết người phạm tội đang trốn ở đâu. Do đó, gia đình ( ba, mẹ) người vi phạm biết người phạm tội không phải chịu trách nhiệm về tội không tố giác tội phạm vì số tiền là 285.314.147 đồng thuộc khoản 3 khung hình phạt không phải là tội đặc biệt nghiêm trọng đối với cả hai tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản Điều 175 và tội trộm cắp tài sản Điều 173 của Bộ luật hình sự năm 2015.

 

Thứ tư, Về việc nếu người vi phạm bị truy tố trách nhiệm hình sự bị đi tù thì có phải thanh toán số tiền nợ công ty dược. Đối với trường hợp này, người vi phạm bị truy tố trách nhiệm vừa phải chịu trách nhiệm về hình sự về hành vi phạm tội của mình. Ngoài ra, người đó phải có nghĩa vụ thanh toán trả lại số số tiền nợ cho công ty dược.

 

Thứ năm, Về việc ba mẹ người vi phạm có phải đứng ra chịu trách nhiệm chi trả thay người vi phạm. Thì đối với trường hợp này, người con vi phạm đã thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ cho nên mọi nghĩa vụ phát sinh thì người vi phạm sẽ phải tự chịu trách nhiệm. Bố mẹ người vi phạm sẽ không phải chịu trách nhiệm trả nợ thay cho người vi phạm khi người vi phạm không thực hiện nghĩa vụ trả lại tiền cho công ty dược. Bố mẹ chỉ có thể thực hiện nghĩa vụ dân sự thay cho con khi con mất năng lực hành vi dân sự (với tư cách là người giám hộ và thực hiện trong phạm vi tài sản của người này). Hoặc bố mẹ sẽ phải chịu trách nhiệm trả nợ thay trong trường hợp bố mẹ là người bảo lãnh. 

 

Trân trọng!
CV tư vấn: Vi Thị Huyền-Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169