Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Hành vi cướp giật tài sản bị xử lý như thế nào?

Pháp luật hình sự Việt Nam quy định về tội cướp giật tài sản như thế nào? Người có hành vi cướp giật tài sản phải chịu trách nhiệm hình sự ra sao? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

1. Luật sư tư vấn Luật Hình sự

Hiện nay, tình hình tội phạm cướp giật tài sản đang diễn biến tương đối phức tạp và trở thành vấn đề nhức nhối ở hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Theo đó, các đối tượng phạm tội thường lợi dụng sự sơ hở của nạn nhân hoặc đường vắng, trời tối để thực hiện hành vi phạm tội; nạn nhân trong các vụ án cướp giật tài sản đa phần là trẻ em, phụ nữ mang theo túi xách, điện thoại di động,…

Do đó, để đảm bảo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức thì khi phát hiện ra hành vi cướp giật tài sản, bạn cần tiến hành trình báo đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để điều tra, xử lý hành vi vi phạm. Trường hợp bản thân bạn hoặc người thân của bạn có hành vi cướp giật tài sản thì bạn nên tham khảo các quy định của pháp luật để hiểu rõ mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội có thể phải chịu; từ đó có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải để được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Nếu bạn không có thời gian tìm hiểu, bạn hãy liên hệ Luật Minh Gia để chúng tôi giải đáp và hướng dẫn các phương án cụ thể.

Để được hỗ trợ, tư vấn pháp lý về các vấn đề liên quan đến tội cướp giật tài sản, bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi để được tư vấn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tư vấn về việc xử lý hành vi cướp giật tài sản

Câu hỏi yêu cầu luật sư tư vấn: Bạn tôi với một người nữa cướp giật sợi dây chuyền của người đi đường và đã bị bắt. Người bị cướp chỉ té xuống đường xây xát nhẹ, sợi dây chuyền 5 chỉ vàng 18k. Bạn tôi đã có 2 tiền sự cũng là tội cướp giật tài sản. Vậy xin cho tôi hỏi bạn tôi sẽ bị tạm giam bao lâu và sẽ phải đi tù khoảng bao nhiêu năm. Bạn tôi cư trú ở 1 nơi nhưng cướp ở một nơi khác thì cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

- Về hình phạt đối với tội cướp giật tài sản:

ĐIều 171 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội cướp giật tài sản như sau:

“1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

i) Tái phạm nguy hiểm…”

Theo quy định tại khoản 1 Điều 171 Bộ luật Hình sự thì cá nhân có hành vi cướp giật tài sản mà không cần căn cứ vào giá trị tài sản là bao nhiêu thì đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ vào các thông tin mà bạn đưa ra và phụ thuộc vào các tình tiết thực tế xảy ra trong vụ án, người phạm tội có thể phải chịu phạt tù có thời hạn từ một năm đến năm năm hoặc phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

- Về thời hạn điều tra:

Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về Thời hạn tạm giam để điều tra như sau:

“1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

2. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng;

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng.

…”

Mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt là năm năm tù trong trường hợp này được coi là tội nghiêm trọng và thời hạn tạm giam để điều tra đối với tội nghiêm trọng là không quá ba tháng. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cần nhiều thời gian để điều tra thì có thể gia hạn tạm giam không quá 2 tháng. Tổng thời gian tạm giam không quá 5 tháng.

- Về thẩm quyền điều tra:

Điều 163 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền điều tra như sau:

“1. Cơ quan điều tra của Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.

3. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.

4. Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.

5. Việc phân cấp thẩm quyền điều tra như sau:

a) Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực;

b) Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra;

Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cấp quân khu hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp khu vực nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra;

c) Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng điều tra vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại; vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.”

Như vậy cơ quan điều tra có quyền điều tra những vụ án hình sự tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Nếu không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì thẩm quyền điều tra thuộc về cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm hoặc nơi bị can cư trú hoặc bị bắt. Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội ở A, bị bắt ở A do đó thẩm quyền điều tra sẽ thuộc về cơ quan điều tra ở A.

-------------

Bạn có thể tham khảo thêm nội dung tư vấn áp dụng văn bản pháp luật theo quy định của Bộ luật hình sự 1999

Trả lời:

Thứ nhất, theo Điều 136 của Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội cướp giật tài sản thì:

1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;

g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

h) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm  chết người;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Bộ luật Hình sự thì cá nhân có hành vi cướp giật tài sản mà không cần căn cứ vào giá trị tài sản là bao nhiêu thì đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ vào các thông tin mà bạn đưa ra, và phụ thuộc vào các tình tiết thực tế xảy ra trong vụ án, người phạm tội có thể phải chịu phạt tù có thời hạn từ một năm đến năm năm.

Thứ hai, Thời hạn tạm giam để điều tra theo Điều 120 của bộ luật tố tụng hình sự là:

1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

2. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng;

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.

Mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt là năm năm tù trong trường hợp này được coi là tội nghiêm trọng và thời hạn tạm giam để điều tra đối với tội nghiêm trọng là không quá ba tháng. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cần nhiều thời gian để điều tra thì có thể gia hạn tạm giam hai lần, lần gia hạn thứ nhất không quá hai tháng, lần gia hạn thứ hai không quá một tháng. Tổng tất cả thời hạn tạm giam để điều tra có thể là sáu tháng phụ thuộc vào cơ quan điều tra và tình tiết thực tế của vụ án.

Thứ ba, Đối với thẩm quyền điều tra thì theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 tại Điều 110 quy định như sau:

1.Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2.Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.

3.Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao điều tra một số loại tội xâm phậm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp.

4.Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trong trường hợp không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.

Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện, Toà án quân sự khu vực; Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án quân sự cấp quân khu hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp dưới nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra. Cơ quan điều tra cấp trung ương điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra.

5. Tổ chức bộ máy, thẩm quyền cụ thể của các Cơ quan điều tra do ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.

Như vậy cơ quan điều tra có quyền điều tra những vụ án hình sự tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Nếu không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì thẩm quyền điều tra thuộc về cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm hoặc nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169