Phạm Diệu

Hành vi chiếm giữ trái phép tài sản bị xử lý như thế nào?

Trường hợp không nhận tiền tại máy ATM và bị người khác chiếm đoạt số tiền đã rút thì phải làm thế nào để đòi lại? Người được lợi về số tiền trong trường hợp này có phạm tội hình sự hay không? Luật Minh Gia giải đáp thắc mắc liên quan đến vấn đề này như sau:

1. Luật sư tư vấn Luật Hình sự

Trong đời sống xã hội hiện đại ngày nay, để thuận tiện cho các cá nhân, tổ chức thực hiện gửi giữ tiền bạc, tài sản hoặc sử dụng tiền tham gia các giao dịch dân sự sôi động thì máy rút tiền tự động (ATM) giống như một ngân hàng thu nhỏ tại các khu vực dân cư. Điều này góp phần giảm thiểu lượng khách hàng đến giao dịch tại ngân hàng và giúp khách hàng linh hoạt hơn trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế không ít trường hợp giữa cá nhân, tổ chức phát sinh tranh chấp liên quan đến quá trình thực hiện giao dịch chuyển tiền, rút tiền tại máy ATM.

Theo đó, để góp phần giảm thiểu tranh chấp, các bên cần cẩn trọng khi xác lập giao dịch. Trường hợp phát sinh sự cố bất thường, bạn nên liên hệ đến ngân hàng để yêu cầu phong tỏa tài khoản và thực hiện trình báo đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để yêu cầu nhận lại tài sản và giải quyết tranh chấp giữa các bên.

Nếu bạn không nắm rõ các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này, bạn có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169 để được giải đáp và hướng dẫn các phương án cụ thể.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tư vấn trường hợp chiếm giữ trái phép tiền của người khác

Nội dung tư vấn như sau:​ Kính gửi: Công ty Luật Minh Gia. Xin Quý công ty tư vấn giúp cho tôi trường hợp như sau: Tôi sơ ý do quá vội vàng tôi đã đi mất khi máy ATM nhả tiền và để người khác rút mất tiền tại máy ATM với số tiền là 5 triệu đồng. Camera của ngân hàng thì lại không quay thành đoạn video mà chỉ chụp hình người thực hiện giao dịch và có ghi chú trên màn hình là tại thời điểm chụp hình thì máy đang thực hiện công đoạn nào bằng tiếng Anh: + Tra thẻ vào máy+ Cung cấp mật khẩu+ Nhấn yêu cầu rút tiền+ Nhập số tiền cần rút+ Máy đang xử lý giao dịch chờ đưa thẻ ra khe rút+ Máy nhả thẻ chờ chủ thẻ rút thẻ+ Chủ thẻ nhận lại thẻ thành công+ Máy đang xử lý giao dịch chờ đưa tiền ra khe rút + Máy đã đưa tiền ra khe rút tiền chờ người rút kéo tiền ra khởi khe rút tiền+ Tiền được rút khỏi khe tiền thành công+ Khe tiền đóng lại và hoàn thành giao dịch.

Trong các công đoạn từ khi "Tra thẻ vào máy" đến khi "Chủ thẻ nhận lại thẻ thành công", camera đều có chụp được hình chủ thẻ là tôi, tuy nhiên từ công đoạn "Máy đang xử lý giao dịch chờ đưa tiền ra khe rút" đến khi "Khe tiền đóng lại và hoàn thành giao dịch" đều chụp hình một thanh niên khác. Theo như phía giải thích từ phía Ngân hàng thì nếu tiền không được rút khỏi khe thì sau 30 giây tiền sẽ được khe rút đóng lại trả về máy để đảm bảo an toàn và phải có tác động từ người rút tiền khỏi máy ATM  thì máy mới thực hiện đến công đoạn khe tiền đóng lại và hoàn thành giao dịch.

Tuy nhiên, do hạn chế góc quay, máy chỉ chụp được đầy đủ khuôn mặt của nam thanh niên đó chứ không chụp hình hay quay được tận cảnh người đó đưa tay rút tiền ra khỏi khe rút tiền. Tôi có tiến hành liên hệ với Ngân hàng để nhờ liên hệ với nam thanh niên đó thực hiện hoàn trả số tiền đó nhưng nam thanh niên đã vẫn từ chối. Sau đó, tôi có làm đơn trình báo (theo file đính kèm) lên công an Phường tiếp nhận cùng với hình ảnh của Ngân hàng gửi cho tôi qua camera đặt tại máy ATM và gửi lên Công an Quận để tiến hành xử lý từ tháng 11/2017.

Tuy nhiên đến tháng 4/2018, công an Quận không hề phản hồi lại kết quả điều tra cho tôi. Tôi có liên hệ với Công an Quận để hỏi thì công an Quận lại đề nghị tôi liên hệ với cán bộ công an Phường để hỏi rõ đã gửi đơn trình báo lên cán bộ nào trên công an Quận thì họ mới tiến hành giải quyết. Tuy nhiên, khi tôi liên hệ với cán bộ công an Phường để hỏi vấn đề này thì chỉ nhận được câu trả lời chung là Đội Hình sự còn tên chính xác của cán bộ đang tiếp nhận thì không thể cho tôi biết được. Sau đó, thì công an Phường lại trả lời tôi rằng là không thể giải quyết được do không có đủ căn cứ vì bằng chứng chỉ là hình ảnh chứ không phải cảnh quay video nam thanh niên đó dùng tay trực tiếp rút tiền khỏi khe rút tiền của máy ATM. Theo tôi được biết thì hành vi này chưa đến mức bị xử lý hình sự nhưng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điểm e Khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hơn nữa, tôi hoàn toàn không đồng tình với cách xử lý của cơ quan công an khi cho rằng các chứng cứ mà tôi đưa ra là không đủ sức thuyết phục bởi ngân hàng để đảm bảo tài sản của chính mình thì ngân hàng đã luôn chủ động trang bị đầy đủ các thiết bị theo dõi để có thể phòng ngừa và phát hiện các hành vi trộm tiền tại máy ATM của mình để khi có sự cố xảy ra với chính ngân hàng thì ngân hàng có thể có đầy đủ bằng chứng thuyết phục phục vụ công tác điều tra.Vậy xin cho hỏi Quý công ty, tôi có thể thực hiện các biện pháp nào để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Xin chân thành cảm ơn sự hỗ trợ từ Quý công ty. Trân trọng!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ theo quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội chiếm giữ trái phép tài sản như sau:

“Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”.

Căn cứ quy định nêu trên và đối chiếu với trường hợp của bạn, số tiền bạn bị chiếm giữ là 5 triệu. Do đó, không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này. Tuy nhiên, hành vi trên có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

“Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

e) Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.”.

Ngoài ra, theo thông tin anh cho biết, hình chụp tại máy ATM có chụp được đầy đủ khuôn mặt của nam thanh niên (người thực hiện giao dịch sau). Đồng thời, phía ngân hàng đã giải thích rất cụ thể về trường hợp nếu tiền không được rút khỏi khe thì sau 30 giây tiền sẽ được khe rút đóng lại trả về máy để đảm bảo an toàn và phải có tác động từ người rút tiền khỏi máy ATM  thì máy mới thực hiện đến công đoạn khe tiền đóng lại và hoàn thành giao dịch. Do đó, những thông tin trên chính là căn cứ làm cơ sở để cơ quan công an tiến hành điều tra, xem xét vụ việc.

Trường hợp, nếu cơ quan công an không giải quyết thì bạn có thể làm đơn khiếu nại yêu cầu cơ quan công an trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do và căn cứ không giải quyết.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169