Nguyễn Thị Thùy Dương

Gửi quà, đồ dùng cho người bị tạm giam, tạm giữ như thế nào?

Người bị tạm giam, tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, tạm giữ theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ, người bị tạm giam, tạm giữ có quyền gặp gỡ thân nhân và nhận quà, đồ dùng của thân nhân gửi cho mình.

1. Quy định pháp luật về gửi quà, đồ dùng cho người bị tạm giam, tạm giữ thế nào?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 về gửi quà, đồ dùng cho người bị tạm giam, tạm giữ được thực hiện như sau:  

- Đối với người bị tạm giữ: 

Người bị tạm giữ được nhận quà của thân nhân gửi trong thời gian bị tạm giữ không quá một lần. Nếu gia hạn tạm giữ thì mỗi lần gia hạn tạm giữ được nhận quà một lần. 

- Đối với người bị tạm giam: 

Người bị tạm giam được nhận quà của thân nhân gửi đến không quá ba lần trong 01 tháng. 

Định lượng quà là đồ ăn, uống cho mỗi lần gửi không được vượt quá ba lần tiêu chuẩn ăn ngày thường. Thủ trưởng cơ sở giam giữ tổ chức tiếp nhận, kiểm tra loại bỏ các vật bị cấm và giao đầy đủ cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kiểm tra, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi chiếm đoạt quà, đồ dùng sinh hoạt của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. 

Như vậy, người bị tạm giam, tạm giữ được nhận quà, đồ dùng của thân nhân gửi đến nhưng phải đảm bảo số lần nhận và định lượng quà, đồ dùng theo quy định. 

Căn cứ Khoản 8 Điều 3 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam là những người có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng với người bị tạm giữ, tạm giam. 

Bao gồm: Ông bà nội, ông bà ngoại; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng; vợ, chồng; anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cháu ruột với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại.

2. Được gửi quà, đồ dùng gì cho người bị tạm giam, tạm giữ?

Theo quy định về việc giải quyết cho người bị tạm giam, tạm giữ nhận quà tại Điều 9 Thông tư 34/2017/TT-BCA, những loại quà và đồ dùng mà người tạm giam, tạm giữ được phép nhận bao gồm: 

- Tiền mặt

Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được nhận tiền của thân nhân gửi là tiền Việt Nam và phải gửi lưu ký tại cơ sở giam giữ. 

Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài được nhận tiền Việt Nam hoặc ngoại tệ và được quy đổi sang tiền Việt Nam theo tỷ giá của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định tại thời điểm gửi. 

- Thuốc và đồ dùng cá nhân

Bao gồm: Thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, đồ ăn, uống, đồ dùng sinh hoạt và tư trang cá nhân (trừ các đồ vật thuộc danh mục cấm).  

Thuốc chữa bệnh, thuốc bổ của thân nhân gửi cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng và có đơn thuốc của thầy thuốc tại cơ sở y tế nhà nước. Thuốc chữa bệnh, thuốc bổ này sẽ do cán bộ y tế của cơ sở giam giữ tiếp nhận, quản lý và cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam sử dụng thuốc theo chỉ định.

Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt để phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo sức khỏe cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam, thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định tạm dừng việc nhận quà là đồ ăn, uống.

- Thư, sách, báo, tài liệu

Khác với những loại quà, đồ dùng trên, việc thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam gửi thư, sách, báo tài liệu cho người bị tạm giữ, tạm giam chỉ được thực hiện khi được cơ quan đang thụ lý vụ án cho phép và chịu sự kiểm duyệt của cơ quan đang thụ lý vụ án và sự kiểm tra của cơ sở giam giữ.

Như vậy, thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam có thể gửi quà, đồ dùng cho người bị tạm giữ, tạm giam bao gồm: tiền mặt, thuốc, đồ dùng cá nhân hoặc thư, sách, báo và tài liệu (khi được cơ quan có thẩm quyền đồng ý). 

3. Cách thức gửi quà, đồ dùng cho người bị tạm giam, tạm giữ

Căn cứ quy định tại Điều 9 Thông tư 34/2017/TT-BCA, thân nhân của người bị tạm giam, người bị tạm giữ có thể gửi quà, đồ dùng cho người bị tạm giam, tạm giữ thông qua những phương thức sau: 

- Gửi quà, đồ dùng khi gặp người bị tạm giữ, tạm giam: 

Theo quy định tại Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam có quyền gặp người bị tạm giữ tạm giam nhưng phải xuất trình  giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Việc thăm gặp phải chịu sự giám sát, theo dõi chặt chẽ của cơ sở giam giữ. 

Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. 

Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ.

- Gửi quà qua đường bưu điện

Thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam có thể gửi tiền, quà, đồ dùng cho người bị tạm giữ, tạm giam qua đường bưu điện. Tuy nhiên, trọng lượng quà, đồ dùng mỗi lần gửi không được phép quá 03 kg. 

Lưu ý: Việc gửi thư, tài liệu, sách, báo cho người bị tạm giữ, tạm giam sẽ được Cơ sở giam giữ hướng dẫn trực tiếp cho thân nhân người bị tạm giữ, tạm giam khi được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án thì cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam nhận.

Như vậy, thân nhân của người bị tạm giam, tạm giữ có thể gửi quà, đồ dùng cho người bị tạm giam, tạm giữ qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp khi gặp gỡ người bị tạm giam, tạm giữ. 
 
Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo