Luật sư Vũ Đức Thịnh

Giáo viên muốn nghỉ hưu trước tuổi phải làm gì?

Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ năm 2021 đã tăng độ tuổi nghỉ hưu đối với cả người lao động nam và người lao động nữ. Việc tăng độ tuổi hưởng lương hưu nhằm mục tiêu tận dụng tối đa nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc tăng độ tuổi nghỉ hưu đối với người lao động đôi khi lại là “gánh nặng” khi họ đã có thời gian dài cống hiến cho công việc và có nguyện vọng muốn nghỉ hưu để nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già bên gia đình.

Câu hỏi đề nghị tư vấn:

Bố tôi năm nay 58 tuổi, là giáo viên dạy cấp 3. Bố tôi bị tai biến, không nói được, không đi lại được. Bố tôi muốn nghỉ hưu trước tuổi, nhưng hiệu trưởng không đồng ý. Xin hỏi thủ tục nghỉ hưu trước tuổi và việc hiệu trưởng nhà trường không đồng ý cho bố tôi nghỉ hưu có vi phạm pháp luật không? Áp dụng quy định nào để hiệu trưởng đồng ý cho bố tôi nghỉ hưu trước tuổi. Xin cảm ơn!

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Luật Minh Gia, sau khi nghiên cứu trường hợp của bạn chúng tôi đưa ra nội dung tư vấn như sau:

Thứ nhất, về chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức

Điều 29. Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc

"...

4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.

..."

Trong trường hợp này, bố của bạn đang bị tai biến, không thể nói và đi lại được thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu sự nghiệp công lập ở đây là hiệu trưởng trường nơi bố anh công tác ít nhất 03 ngày (trong trường hợp ốm đau). 

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 169 Bộ Luật Lao động 2019 về tuổi nghỉ hưu 

Điều 169. Tuổi nghỉ hưu

“1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

3. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”

Theo quy định trên thì độ tuổi lao động đối với nam từ năm 2021 là 60 tuổi 3 tháng, tăng theo lộ trình đến khi đủ 62 tuổi. Trong trường hợp này bố của bạn năm nay là 58 tuổi, vì vậy bố của bạn sẽ chưa đủ điều kiện về tuổi để nghỉ hưu. Bố bạn có thể lựa chọn bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và đợi đến khi đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu hoặc nghỉ hưu trước tuổi trong trường hợp suy giảm khả năng lao động. 

Thứ hai, về điều kiện để nghỉ hưu trước tuổi đối với viên chức khi suy giảm khả năng lao động

Theo quy định tại Điều 219 Bộ Luật Lao động 2019 sửa đổi Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội về điều kiện nghỉ hưu trước tuổi như sau:

Điều 219. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến lao động

"1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 84/2015/QH13 và Luật số 35/2018/QH14: ...

b) Sửa đổi, bổ sung Điều 55 như sau: “Điều 55. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động khi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%; b) Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động khi bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; c) Có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

..."

Vậy trong trường hợp này gia đình của bạn có thể cho bố của mình đi giám định mức suy giảm khả năng lao động, nếu mức độ suy giảm từ 61% trở lên thì bố bạn đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi. Tuy nhiên, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi bố bạn sẽ bị trừ đi 2% tỷ lệ hưởng lương hưu. 

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo