Giáo viên làm việc theo hợp đồng lao động có được nâng bậc lương thường xuyên?
Nội dung tư vấn: Tôi có vấn đề cần sự tư vấn của luật sư: Năm 2002 tôi kí hợp đồng quận làm giáo viên THCS. Từ 2002 - 8/2009 tôi chỉ được hưởng lương bậc 1. Tháng 8/2009 tôi thi sang ngạch nhân viên trường THCS và vẫn tiếp tục hưởng lương bậc 1 đến 8/2012 mới được nâng lên bậc 2, và sau đó cứ 3 năm 1 lần tôi được tăng lương. Nhưng sau thời điểm năm 2009 khoảng 1, 2 năm những GV có hợp đồng quận lâu năm như tôi thi đỗ công chức lại được tính lương khởi điểm từ ngày có hợp đồng quận và tăng dần số bậc lương cho đến thời điểm thi đỗ công chức. Tôi mong luật sư tư vấn xem cách tính lương với tôi như vậy có đúng không? Làm việc đã lâu năm, nhưng lương lại quá thiệt thòi so với thời gian làm việc vì vậy tôi tha thiết mong nhận được câu trả lời của luật sư. Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV, chế độ nâng bậc lương thường xuyên quy định như sau: "Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức (sau đây gọi là ngạch), trong chức danh nghề nghiệp viên chức, chức danh chuyên gia cao cấp và chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát (sau đây gọi là chức danh) hiện giữ, thì được xét nâng một bậc lương thường xuyên khi có đủ điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh và đạt đủ tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này trong suốt thời gian giữ bậc lương.."
(Xem thêm các quy định về Thời gian giữ bậc để xét nâng bậc lương thường xuyên, Các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên, Thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên, Tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên tại Thông tư 08/2013/TT-BNV)
Đối tượng tại Khoản 1 Điều 1 bao gồm:
"1. Phạm vi và đối tượng áp dụng:
...
b) Những người xếp lương theo bảng lương chuyên gia cao cấp, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ do Nhà nước quy định được cấp có thẩm quyền quyết định đến làm việc tại các dự án và các cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam mà vẫn thuộc danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.
c) Những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định hiện hành của pháp luật.
d) Những người xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định thuộc chỉ tiêu biên chế được ngân sách nhà nước cấp kinh phí trong các hội có tính chất đặc thù quy định tại Nghị định số45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Quyết định số68/2010/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định hội có tính chất đặc thù.
Các đối tượng tại các Điểm a, b, c và d Khoản này sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động."
Như vậy, Nếu bạn thuộc đối tượng tại Điểm c Khoản 1 Điều 1 là người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định hiện hành của pháp luật và đáp ứng điều kiện tại Điều 2 Thông tư này thì trong thời gian làm việc theo hợp đồng lao động bạn vẫn được nâng bậc lương thường xuyên.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng !
CV tư vấn: Phạm Huệ - Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất