Giáo viên làm việc theo HĐLĐ có được tính phụ cấp thâm niên nghề giáo không?
1. Luật sư tư vấn các chế độ của viên chức
Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. Ngoài chế độ tiền lương thì viên chức còn được hưởng các khoản phụ cấp theo vị trí việc làm như phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp chức vụ, lãnh đạo,... Tuy nhiên, để có thể áp dụng đúng quy định pháp luật về các chế độ này của viên chức thì đòi hỏi cơ quan, tổ chức phải nắm rõ các quy định của Luật viên chức và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Trường hợp bạn hoặc đơn vị bạn đang gặp khó khăn trong việc xác định phụ cấp thâm niên nghề, chế đọ nâng lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn hoặc những vấn đề khác liên quan quyền, lợi ích của viên chức thì bạn có thể liên hệ với Luật Minh Gia thông qua hình thức gửi câu hỏi qua email hoặc Gọi: 1900.6169 để được hướng dẫn.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm thông tin quy định pháp luật về các chế độ của viên chức.
2. Quy định về phụ cấp thâm niên nghề và chế độ nâng lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn của viên chức
Câu hỏi: Kính gửi Cty luật Minh Gia. Tôi xin hỏi công ty tư vấn một số nội dung dưới đây liên quan đến quyền lợi người lao động mà tôi chưa được hiểu rõ:
1. Cơ quan nơi tôi công tác là trung tâm giáo dục nghề nghiệp của tỉnh, thuộc Sở LĐTBXH, chức năng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trung tâm có các phòng chức năng phục vụ công tác, trong đó có phòng đào tạo và đội ngũ giáo viên dạy nghề. Vừa qua cơ quan tôi có một số các đồng chí giáo viên được xét đưa vào hưởng phụ cấp thâm niên nghề giáo.
Tuy nhiên theo tìm hiểu thì có một số các đồng chí được xét chỉ mới được xét tuyển vào viên chức từ năm 2017 ( trước đó là cán bộ hợp đồng) theo quy định thì chưa đủ 5 năm công tác, vậy việc đưa các đồng chí ấy vào hưởng phụ cấp thâm niên là đúng chưa? Thẩm quyền xét, quy trình thủ tục xét như thế nào ạ !
2. Cơ quan tôi là đơn vị mới hợp nhất trên cơ sở là 3 trung tâm dạy nghề của 3 đoàn thể, vừa rồi có 4 đồng chí được đề nghị tăng lương trước thời hạn (vì có bằng khen cấp tỉnh). Vậy yêu cầu đối với một người được đề nghị nâng lương trước thời hạn như vậy đã đủ chưa ? thủ tục và quy trình như thế nào là đúng ạ.
3. Trong cơ quan mới có 1 đồng chí (A) nguyên là cán bộ hợp đồng của một trung tâm cũ, không có bằng cấp văn hoá và chuyên môn ... công việc bố trí làm ở một bộ phận của trung tâm. Vậy, chế độ chi trả tiền lương và xét nâng lương được tính như thế nào ! xin cảm ơn công ty luật Minh Gia quan tâm và tư vấn, phúc đáp những nội dung trên giúp tôi, tôi xin chân thành cảm ơn !
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, quy định về phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo:
Căn cứ Điều 1 Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 1, 2 Điều 1 Thông tư liên tịch 29/2015/TTLT- BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH quy định đối tượng và phạm vi áp dụng phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo như sau:
“1. Nhà giáo trong biên chế, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục công lập) được nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật).
…
3. Đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Cụ thể:
a) Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này phải được xếp vào các ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15);
b) Các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này không nhất thiết phải xếp vào các ngạch viên chức thuộc ngành giáo dục và đào tạo như quy định tại điểm a khoản này.”
Và Khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH quy định thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên:
“1. Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian sau:
a) Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập;
b) Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập);…”
Theo đó, nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục công lập được chuyển, xếp lương vào ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo (các ngạch có 2 chữ đầu của mã số ngạch là 15) thuộc đối tượng được áp dụng phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Theo thông tin bạn cung cấp thì cơ quan bạn đang làm việc là trung tâm giáo dục nghề nghiệp của tỉnh, thuộc Sở LĐTBXH. Tại trung tâm bạn làm việc đang tính phụ cấp thâm niên cho một số viên chức được tuyển dụng từ năm 2017 (trước dó làm việc theo hợp đồng lao động). Để xác định việc đơn vị bạn tính phụ cấp thâm niên cho viên chức như thế là đúng hay sai thì cần xác định những viên chức này có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 05 năm (60 tháng) chưa? Trường hợp họ là nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục công lập, được xếp lương vào ngạch viên chức có 2 chữ đầu của mã số ngạch là 15, tổng thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH đủ 05 năm thì đơn vị bạn tính phụ cấp thâm niên cho họ là phù hợp quy định pháp luật.
- Quy định về trình tự, thủ tục xét duyệt và chi trả phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo:
Theo Điều 4 Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục công lập và cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà giáo như sau:
+ Trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục công lập: Căn cứ thời gian giảng dạy, giáo dục của nhà giáo, trên cơ sở hồ sơ, lý lịch, sổ bảo hiểm xã hội và các tài liệu có liên quan; đơn vị trực tiếp quản lý, trả lương cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có trách nhiệm xét duyệt mức phụ cấp và lập dự toán nhu cầu thực hiện phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo của cơ sở giáo dục theo Biểu 1 quy định tại Thông tư liên tịch này gửi cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà giáo thẩm định và quyết định.
+ Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà giáo: Cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà giáo có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên tại các cơ sở giáo dục trực thuộc đảm bảo theo đúng quy định của Thông tư liên tịch này. Đồng thời có trách nhiệm thẩm định, tổng hợp nhu cầu và nguồn kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên theo các Biểu 2, Biểu 3 và Biểu 4 Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH.
Thứ hai, quy định về chế độ nâng bậc lương trước thời hạn:
Theo thông tin bạn cung cấp thì đơn vị bạn có 4 người được xét nâng bậc lương trước thời hạn. Tuy nhiên, bạn không cung cấp cụ thể những người này là viên chức hay người lao động làm việc tại đơn vị. Do đó có các trường hợp có thể xảy ra như sau:
- Trường hợp nâng lương cho người lao động thì theo quy định tại Điều 102 Bộ luật lao động 2012 chế độ nâng bậc nâng bậc, nâng lương được thoả thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc quy định trong quy chế của người sử dụng lao động.
- Trường hợp nâng bậc lương trước thời hạn đối với viên chức thì theo Điều 3 Thông tư 08/2013/TT-BNV quy định:
“Điều 3. Chế độ nâng bậc lương trước thời hạn
1. Chế độ nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ:
a) Điều kiện và chế độ được hưởng:
Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này đạt đủ 02 tiêu chuẩn quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này và lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận bằng văn bản, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh và tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên thì được xét nâng một bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng so với thời gian quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 2 Thông tư này.
…
đ) Xác định thành tích để xét nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc:
- Thành tích để xét nâng bậc lương trước thời hạn được xác định theo thời điểm ban hành quyết định công nhận thành tích đạt được trong khoảng thời gian 6 năm gần nhất đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên và 4 năm gần nhất đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn.
Riêng đối với trường hợp đã được nâng bậc lương trước thời hạn thì tất cả các thành tích đạt được trước ngày có quyết định nâng bậc lương trước thời hạn trong khoảng thời gian (6 năm và 4 năm) quy định tại Điểm này không được tính để xét nâng bậc lương trước thời hạn cho lần sau.
- Việc xét nâng bậc lương trước thời hạn được căn cứ vào thành tích cao nhất đạt được của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; nếu thành tích cao nhất bằng nhau thì xét đến các thành tích khác; trường hợp có nhiều người có thành tích như nhau thì thực hiện ưu tiên theo quy chế nâng bậc lương trước thời hạn của cơ quan, đơn vị.”
Theo đó, viên chức đơn vị bạn đạt đủ 02 tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên (được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên và không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức), và lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận bằng văn bản, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh và tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên thì được xét nâng một bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng. Tiêu chuẩn, cấp độ về lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ và thời gian được nâng bậc lương trước thời hạn tương ứng với từng cấp độ thành tích khác nhau của viên chức do người đứng đầu đơn vị bạn trao đổi với cấp ủy và Ban Chấp hành công đoàn cùng cấp quy định cụ thể trong Quy chế nâng bậc lương trước thời hạn của đơn vị.
• Trình tự, thủ tục xét nâng bậc lương trước thời hạn:
Trinh tự, thủ tục xét nâng bậc lương trước thời hạn của viên chức được áp dụng theo quy định tại Điều 4 Thông tư 08/2013/TT-BNV. Cụ thể:
- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có trách nhiệm trao đổi với cấp ủy và Ban Chấp hành công đoàn cùng cấp thực hiện:
+ Ban hành Quy chế nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình, trong đó phải quy định rõ tiêu chuẩn, cấp độ về lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, thời gian được nâng bậc lương trước thời hạn tương ứng với từng cấp độ thành tích khác nhau của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động và thứ tự ưu tiên xét nâng bậc lương trước thời hạn đối với những người có thành tích xuất sắc như nhau để làm căn cứ xét nâng bậc lương trước thời hạn đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý. Bản Quy chế này phải được công khai trong cơ quan, đơn vị và gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để quản lý và kiểm tra trong quá trình thực hiện.
+ Quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định theo phân cấp hiện hành nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn (khi lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ và khi có thông báo nghỉ hưu) đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.
+ Thông báo công khai danh sách những người được nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn trong cơ quan, đơn vị.
+ Định kỳ vào quý IV hằng năm, có văn bản báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp tình hình và những vướng mắc trong việc thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở cơ quan, đơn vị theo mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này; số người thuộc tỷ lệ được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc và số người dư ra dưới 10 người của cơ quan, đơn vị mình ở năm sau liền kề.
- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị có trách nhiệm:
Kiểm tra kết quả và giải quyết theo thẩm quyền những vướng mắc trong việc thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý; tổng hợp báo cáo Bộ, ngành Trung ương (nếu thuộc Trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nếu thuộc địa phương quản lý) kết quả thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn ở tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư 08/2013/TT-BNV.
Thứ ba, quy định chi trả tiền lương đối với người lao động:
Theo Điều 90 Bộ luật lao động 2012 quy định tiền lương như sau:
“1. Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.
Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.”
Và Điều 102 Bộ luật lao động 2012 quy định Chế độ phụ cấp, trợ cấp, nâng bậc, nâng lương:
“Các chế độ phụ cấp, trợ cấp, nâng bậc, nâng lương và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thoả thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc quy định trong quy chế của người sử dụng lao động.”
Như vậy, đơn vị bạn giao kết hợp đồng lao động với A thì tiền lương cho người lao động là do hai bên tự thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Các chế độ nâng bậc, nâng lương của A được thỏa thuận trên hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định trong quy chế đơn vị bạn.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất