Giao cấu với bạn gái chưa đủ 16 tuổi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Nội dung câu hỏi: Em Sinh năm 1992. Em có quen một người bạn gái (1997), chúng em có đi quá giới hạn vào ngày 09/01/2013 (khi ấy bạn gái em chưa đủ 16 tuổi) vẫn có sự đồng ý do tụi em xác định lâu dài. Em biết là vẫn có thể bị hình phạt là giao cấu với trẻ vị thành niên, nhưng em có tìm hiểu thì được biết là trong vòng 05 năm mà bên bị đơn không kiện thì vụ án hết hiệu lực kiện có phải không? (Tính ra đã quá 05 năm). Hiện thì người đó đã gửi hình ảnh bên toà án gửi mail trả lời là thụ lý hồ sơ đơn kiện, vậy luạt sư cho em hỏi là thụ lý rồi có phản bác được là hết 05 năm không? Và toà đưa ra chứng cứ như thế nào để cho rằng em quan hệ tình dục với bạn đó trong khi việc đã hơn 05 năm?
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Tại Điều 145 Bộ luật hình sự 2015 quy định về Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi:
“1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Có tính chất loạn luân;
d) Làm nạn nhân có thai;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
e) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Theo thông tin bạn cung cấp, tại thời điểm ngày 09/01/2013, bạn 21 tuổi, giữa bạn và người bạn gái chưa đủ 16 tuổi có quan hệ tình dục tự nguyện với nhau. Do đó, theo quy định trên, bạn phạm tội giao cấu với trẻ em theo khoản 1 Điều 145 Bộ luật hình sự 2015. Vì mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm theo khoản 1 này là năm năm tù nên theo khoản 2 Điều 1 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đây là tội phạm nghiêm trọng.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:
“Điều 9. Phân loại tội phạm
1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:
…
b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
…”
Theo Điều 27 Bộ luật hình sự 2015 quy định Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự:
“1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
...
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
...
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ”.
Vì tội phạm mà bạn của bạn thực hiện thuộc loại tội phạm nghiêm trọng nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là mười năm kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, đến thời điểm này (quá 5 năm sau ngày hai bạn có hành vi giao cấu), bạn vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Thứ hai, chứng cứ chứng minh hành vi giao cấu
Để xem xét trách nhiệm hình sự, ngoài kết quả giám định thì cần phải dựa vào lời khai bị hại, lời khai bị can, nhân chứng, camera, thực nghiệm điều tra, khám nghiệm hiện trường, đối chất và các hoạt động tố tụng khác để làm sáng tỏ vụ việc.
>> Luật sư tư vấn thắc mắc về luật Hình sự, gọi: 1900.6169
---------------
Câu hỏi thứ 2 - Bồi thường do gây thiệt hại về sức khỏe người khác
Chào anh chị E muốn hỏi theo quy định của pháp luật trong trường hợp Bọn em cũng quen biết nhau ngồi ăn cơm cùng nhau do tranh cãi có một chút xích mích nên bạn ấy cầm gậy đánh em trước em cũng đập một cái ghế trúng đầu bạn ấy.xong em bỏ về phòng ngủ Bạn ấy còn gọi người đến trước cửa phòng em gọi dọa đánh.em ra dùng cây gậy đánh lại bạn ấy bị đi viện tỉ lệ thương tật là 18%. Bây giờ bọn e muốn thỏa thuận đền bù thì như thế nào là hợp lí? Còn nếu đưa ra pháp luật sẽ xử lí như thế nào ạ?
Trả lời: Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:
Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
"Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định."
Anh/chị tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình!
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất