Giảm lương nhân viên khi thông báo nghỉ việc có đúng luật?

Cắt giảm lương nhân viên khi nghỉ việc là trường hợp phía người sử dụng lao động không thực hiện việc thỏa thuận với người lao động về việc điều chỉnh, sửa đổi điều khoản về tiền lương trong hợp đồng mà tự ý cắt giảm lương khi chưa có sự đồng ý chấp thuận từ phía người lao động. Việc mức giảm lương từ phía người người sử dụng lao động liệu có hợp lí hay không. Trong trường hợp này người lao động cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình? Luật Minh Gia xin được tư vấn như sau:

Câu hỏi yêu cầu tư vấn:

Gửi Luật sư, Xin luật sư tư vấn giúp em trường hợp như sau: Năm 2020, tôi có ký hợp đồng vô thời hạn của công ty. Nhưng trong quá trình làm việc tôi thấy không phù hợp nên đã nộp đơn xin nghỉ có thông báo trước.

Lúc này công ty yêu cầu tôi bàn giao trong vòng 7 ngày. Trong quá trình bàn giao, công ty kiểm tra và nói tôi làm thất thoát tiền của công ty. Tôi không đồng ý và muốn giải trình nhưng công ty không cho tôi đến công ty để làm việc cũng như bàn giao. Hiện nay tôi được biết số tiền công ty nói tôi làm thất thoát khoản hơn 20 triệu. Công ty còn giảm lương của tôi từ ngày 1.6.2021 đến ngày 1.8.2021. Bên cạnh đó, phòng nhân sự yêu cầu tôi trả lại thẻ bảo hiểm y tế để cắt giảm đóng bảo hiểm của tôi. Lúc đầu khi vào làm việc công ty đã giữ bằng Đại học bản chính của tôi. Vậy luật sư cho tôi hỏi:

1. Công ty đã ra quyết định nghỉ việc đối với tôi (vì phải ra quyết định mới cắt giảm bảo hiểm) thì sau này tôi có đền bù thiệt hại như công ty thông báo không.

2. Việc giảm lương trong quá trình bàn giao công việc là đúng hay sai?

3. Công ty giữ bằng cấp và sổ BH của tôi. Vậy có cách nào để tôi lấy lại những giấy tờ quan trọng này. Xin kính mong luật sư tư vấn. Trân trọng cám ơn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định

Nếu trong trường hợp bạn làm thất thoát số tiền hơn 20 triệu đồng của công ty là đúng sự thật thì bạn đã gây thiệt hại về tài sản cho công ty và phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận giữa bạn và công ty.

Điều 129 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về Bồi thường thiệt hại khi người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động như sau:

1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động.

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 102 của Bộ luật này.

2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh nguy hiểm, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.

Do đó, bạn chỉ có thể phải bồi thường thiệt hại cho công ty nếu như công ty chứng minh được việc làm thất thoát tài sản có lỗi vô ý từ phía bạn. Nếu công ty không chứng minh được vấn đề trên thì công ty không có quyền khấu trừ từ tiền lương của bạn và bạn có thể khiếu nại đến Ban Công đoàn của công ty để yêu cầu giải quyết về vấn đề này.

Thứ hai: Về việc giảm lương trong quá trình bàn giao công việc:

Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 21 Bộ luật lao động năm 2019: Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác là một trong những nội dung chủ yếu được ghi nhận trong nội dung của Hợp đồng lao động.

Khi bạn kí kết hợp đồng lao động với công ty thì trong nội dung hợp đồng lao động có quy định về mức lương căn cứ theo quy định. Do đó, việc tuân theo hợp đồng lao động là bắt buộc. Công ty muốn giảm lương của bạn thì công ty cần phải sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động theo quy định tại điều 33 Bộ luật này như sau

1. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung.

2. Trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.

3. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.

Theo đó, công ty muốn giảm lương thì cần thông báo cho bạn trước ít nhất 3 ngày để tiến hành thỏa thuận sửa đổi lại hợp đồng. Như vậy, công ty tự ý giảm lương mà không thỏa thuận với bạn để ký kết phụ lục hợp đồng lao động nhằm sửa đổi hợp đồng lao động là trái với quy định của pháp luật. Bạn có thể kiến nghị lên Công đoàn công ty để được hưởng lương theo hợp đồng lao động của mình.

Thứ ba: Hành vi công ty giữ bằng Đại học chính của người lao động

Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động là một trong những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động (theo quy định tại khoản 1 điều 17 BLLĐ năm 2019).

Đồng thời theo quy định tại khoản 3 Điều 48 Bộ luật lao động 2019 về Trách nhiệm trả lại bản chính giấy tờ cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm:

a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;

b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.

Do đó, nếu công ty không trả bằng đại học và sổ bảo hiểm khi chấm dứt hợp đồng lao động với bạn là trái với quy định của pháp luật. Bạn có thể gửi đơn yêu cầu công ty giải quyết quyền lợi cho mình, nếu công ty không thực hiện thì bạn có thể gửi đơn khiếu nại đến Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp quận/ huyện nơi có trụ sở công ty để yêu cầu giải quyết.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169