Trần Phương Hà

Giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể quy định thế nào?

Nhờ luật sư giải đáp giúp về giám định thương tích và khởi tố hành vi cố ý gây thương tích như sau: Tôi có một người bác dâu bị một tên côn đồ chém bằng con dao chặt xương, làm bác tôi bị thương ở tay trái, cụ thể vết thương như sau: gãy hở xương quay tay, đứt gân các ngón tay cái. Vụ việc xảy ra đã 9 ngày mà tên côn đồ đó vẫn chưa bị bắt giam, và đến ngày thứ 8 mới thấy công an huyện đến lấy lời khai của người bị hại.

Không biết công an huyện đã làm theo đúng thủ tục chưa và tôi cũng có một vài thắc mắc nữa muốn luật sư tư vấn giúp:

Thứ nhất: tôi muốn biết tỷ lệ thương tật bao nhiêu phần trăm thì tôi phải tự đi giám định hay công việc này thuộc thẩm quỳên của cơ quan chức năng nào?

Thứ hai: người cố ý gây thương tích cho người khác có bị bắt tạm giam không? Nếu có thì trong thời gian bao lâu kể từ khi xảy ra vụ việc thì người đó bị bắt tạm giam?. 

Thứ ba: với vết thương là gãy hở xương quay tay và đứt gân các ngón tay trai thì tỷ lệ thương tật nằm trong khoảng bao nhiêu phần trăm.

Cảm ơn luật sư đã lắng nghe và tôi rất mong nhận được ý kiến tư vấn của luật sư! 

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề của bạn công ty tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố như sau:

“Điều 145. Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

1. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:

a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

....

3. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

a) Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;

....

4. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.”.

Vậy, theo quy định trên thì cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tin tố giác tội.

Tại Điều 205 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về trưng cầu giám định:

“Điều 205. Trưng cầu giám định

1. Khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 206 của Bộ luật này hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định.

...

3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định trưng cầu giám định, cơ quan trưng cầu giám định phải giao hoặc gửi quyết định trưng cầu giám định, hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định; gửi quyết định trưng cầu giám định cho Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.”.

Điều 214 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận giám định như sau:

"1. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị trưng cầu giám định của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định.

2. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được kết luận giám định thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo kết luận giám định cho bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có liên quan.

3. Bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận giám định; đề nghị giám định bổ sung hoặc giám định lại. Trường hợp họ trình bày trực tiếp thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải lập biên bản.

4. Trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án không chấp nhận đề nghị của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác thì phải thông báo cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do."

Theo quy định của pháp luật, cơ quan điều tra buộc phải trưng cầu giám định để xác định mức độ tổn hại sức khỏe (tỷ lệ thương tật). Kết luận giám định tỷ lệ thương tật là chứng cứ quan trọng để truy cứu TNHS đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp cơ quan không làm hoặc không làm đúng thì anh có quyền gửi đơn khiếu nại để yêu cầu giải quyết đúng quy định của pháp luật.

Tiếp theo, người cố tình gây thương tích có bị bắt tạm giam không, nếu có thì thời gian nào sẽ bị bắt tạm giam:

Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về tạm giam như sau:

"1. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.

2. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:

a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;

b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;

c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;

d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;

đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

..."

Vậy, tuỳ thuộc vào từng trường hợp và mức độ vi phạm mà cơ quan tiến hành tố tụng sẽ quyết định việc có thực hiện tạm giam đối với người có hành vi gây thương tích trên không. Và thời gian bắt bị can để tạm giam sẽ do cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định theo quy định của pháp luật.

Cuối cùng, vết thương là gãy hở xương quay tay và đứt gân các ngón tay trái thì tỷ lệ thương tật nằm trong khoảng bao nhiêu phần trăm?

Như chúng tôi đã nêu trên, trách nhiệm giám định tỷ lệ thương tật thuộc về Hội đồng giám định pháp y. Theo đó, chúng tôi không thể tư vấn cho anh cụ thể tỷ lệ thương tật trong trường hợp này. Trường hợp anh muốn biết kết quả giám định tỷ lệ thương tật thì có quyền yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo