LS Xuân Thuận

Giám định sức khỏe để thực hiện chế độ hưu trí trước tuổi quy định

Kính gửi: Công ty Luật Minh Gia, cho tôi hỏi về giảm định sức khỏe để nghỉ hưu như sau: Tôi sinh ngày 22/11/1965, đến 22/11/2015 mới đủ 50 tuổi, (hiện tôi đang sinh sống và làm việc tại doanh nghiệp ở Hà Nội) và có thời gian đóng bảo hiểm 23 năm. Tôi muốn giám định sức khỏe để nghỉ hưu trước tuổi trong năm 2015. Xin Hỏi: 1. Giám đốc Công ty tôi giới thiệu tôi đi giám định sức khỏe có được không ?

2. Việc giám định (kết quả giám định) trước ngày sinh nhật có giá trị không khi làm thủ tục hồ sơ nghỉ hưu trước tuổi ? Nếu có thì thời hạn là bao lâu ?
3. Có quy định nào quy định về thời gian là bao nhiêu ngày tính từ thời điểm giám định đến khi trả kết quả giám định hay không ? Nếu có thì bao nhiêu ngày?  
4. Trong trường hợp bắt buộc sau ngày sinh nhật (sau 22/11) mới được phép tiến hành các thủ tục thì tổng thời gian từ khi nộp hồ sơ giám định (coi như kết quả giám định phù hợp quy định được nghỉ hưu) đến khi có quyết định hưởng lương hưu là khoảng bao nhiêu ngày (tôi hỏi điều này vì tôi chỉ muốn nghỉ hưu trước 31/12/2015)? 
Xin cảm ơn./.
 

Giám định sức khỏe để thực hiện chế độ hưu trí trước tuổi quy định
Giám định sức khỏe để hưởng chế độ hưu trí


Trả lời tư vấn: Cảm ơn bác đã tin tưởng gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới Luật Minh Gia, vấn đề của bác chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, bác hỏi Giám đốc công ty bác giới thiệu đi giám định sức khỏe có được không ?

Khoản 3 Điều 5 Thông tư 07/2010/TT-BYT quy định về hồ sơ giám định lần đầu:

“3. Giám định để thực hiện chế độ hưu trí trước tuổi quy định

a) Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động. Trường hợp người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, cơ quan BHXH cấp tỉnh cấp giấy giới thiệu theo mẫu quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Giấy đề nghị giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Tóm tắt hồ sơ của người lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư này.”
Căn cứ quy định trên, Giám đốc công ty bác giới thiệu bác đi giám định sức khỏe là đúng quy định pháp luật.

Thứ hai, bác hỏi việc giám định (kết quả giám định) trước ngày sinh nhật có giá trị không khi làm thủ tục hồ sơ nghỉ hưu trước tuổi ? Nếu có thì thời hạn là bao lâu?

Tại thời điểm này bác có thể giám định sức khỏe (có giấy giới thiệu của công ty), kết quả giám định này có thể được sử dụng để làm hồ sơ nghỉ hưu và hưởng chế độ của bác sau này.

Điều 51 Luật BHXH 2006 quy định điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động như sau:

“Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 1 Điều 2 của Luật này đã đóng bảo hiểm xã hội đủ hai mươi năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Điều 50 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây

1. Nam đủ năm mươi tuổi, nữ đủ bốn mươi lăm tuổi trở lên;

2. Có đủ mười lăm năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.”

Căn cứ vào quy định trên, bác đủ điều kiện về số năm đóng BHXH; đến ngày 22/11/2015 thì đủ điều kiện về độ tuổi và nếu bác có kết quả giám định sức khỏe với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì bác được hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động.  

Theo khoản 8 Điều 123 Luật BHXH 2014 quy định: “Người lao động đủ điều kiện và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì vẫn thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11”. Vậy, tại thời điểm bác xin nghỉ nếu đáp ứng được các điều kiện nêu trên thì bác được hưởng chế độ theo Luật BHXH năm 2006.

Nếu bác không đủ điều kiện về mức suy giảm khả năng lao động mà vẫn có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi thì bác có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo Điều 57 Luật BHXH 2006.

Thứ ba, bác hỏi có quy định nào quy định về thời gian được trả kết quả giám định hay không ?

Liên quan đến vấn đề bác hỏi, pháp luật có các quy định như sau:

Người sử dụng lao động hoặc cơ quan BHXH cấp tỉnh hoặc Hội đồng GĐYK cấp tỉnh hoặc cấp trung ương có trách nhiệm chuyển hồ sơ giám định của người lao động đến Hội đồng GĐYK cấp tỉnh hoặc cấp trung ương.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ giám định hợp lệ, chậm nhất là trong thời gian 15 ngày làm việc, người sử dụng lao động hoặc cơ quan BHXH cấp tỉnh có trách nhiệm chuyển hồ sơ giám định đến Hội đồng GĐYK cấp tỉnh hoặc cấp trung ương.

Nếu hồ sơ giám định không hợp lệ, người sử dụng lao động hoặc cơ quan BHXH cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho người lao động.

Nếu hồ sơ giám định không hợp lệ, trong thời gian 15 ngày làm việc, Hội đồng Giám định Y khoa cấp tỉnh hoặc cấp trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu giám định biết.

Nếu hồ sơ giám định hợp lệ, trong thời gian 30 ngày, Hội đồng Giám định Y khoa cấp tỉnh hoặc cấp trung ương có trách nhiệm tiến hành khám giám định cho người lao động.

Khi có đủ số đối tượng đã khám và hoàn chỉnh hồ sơ thì mở phiên kết luận.

Sau khi có kết luận của Hội đồng giám định y khoa, kết quả sẽ được trả trong thời gian không quá một tuần tại Trung tâm giám định y khoa tỉnh.

Như vậy, không có quy định nào về khoảng thời gian từ khi tiến hành giám định sức khỏe đến khi trả kết quả giám định. Pháp luật chỉ quy định khoảng thời gian trả kết quả từ khi có kết luận của Hội đồng giám định y khoa là 1 tuần.

Trân trọng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169