Giải quyết tranh chấp liên quan tới lối đi chung?

Câu hỏi tư vấn: Đất nhà tôi là đất gò thổ cư A, sát đất tôi là đất ruộng B ở giữa đất A và B có lối đi, mà lối đi này có từ gần 100 năm...Lối đi này do bà nội tôi mở ra cho gia đình tôi đi, sau này làm nông thôn mới vì thuận tiện nên bà con hàng xóm cũng đi lối này. Miếng đất B này do bà L mua lại và bà L mới chuyển về ở, trong thời gian bà L chuyển về thì bà L cắm cọc làm hàng rào dưới miếng đất B của bà L.

 

Nhưng tự nhiên bà L tự dỡ rào cắm lên lối đi không cho gia đình tôi đi nữa. Vì vậy, gia đình tôi dỡ rào chắn đó bỏ dưới ruộng của bà L, bà L kiện ra UBND xã thì ngoài UBND xã không xác minh làm rõ nguồn gốc lối đi, không mời bà con sống xung quanh cùng tham gia ý kiến mà chỉ bắt gia đình tôi cắm lại rào cho bà L trên lối đi. Sau khi hòa giải ở UBND xã không thành thì bà L khởi kiện ra Tòa án huyện nhưng trong đơn khởi kiện bà L không hề nói đến lối đi mà bà L tự ý cắm lên mà bà L chỉ nói đến đến cái rào mà gia đình tôi dỡ xuống ruộng. Bà L tự ý thay đổi giáp ranh mà không có sự đồng ý của gia đình tôi nếu gia đình tôi phản tố thì sẽ như thế nào?

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định tại Khoản 16 Điều 3 Luật đất đai 2013 có quy định như sau:

“16. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất."

 

Đồng thời, 

 

Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm

 

1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai;

 

2. Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.

 

3. Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.

 

Như vậy, chủ sở hữu chỉ có quyền định đoạt, sở hữu đối với phần diện tích đất mà được pháp luật công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Không được có các hành vi lấn chiếm đất đai thuộc sở hữu của người khác làm tài sản của mình được. Theo đó, đối chiếu thông tin bạn cung cấp thì lối đi đang xảy ra tranh chấp có đã từ lâu đời (gần trăm năm) và do bà nội mở cho gia đình bạn sử dụng trước khi bà L mua mảnh đất B về sinh sống trên đó. Do đó, trong trường này cần xác định chính xác thời điểm mảnh đất B mà bà L mua có bao gồm lối đi và thể hiện trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không. Trong trường hợp mảnh đất mà bà L mua không có thể hiện lối đi nhưng bà L tự ý phá hàng rào cắm nhằm ngăn lối đi với gia đình bạn là trái quy định của pháp luật vì họ không có quyền tự ý định đoạt diện tích không thuộc quyền sở hữu của gia đình mình. Đồng thời, việc bà L tự ý thay đổi giáp ranh mà không báo cho các hộ gia đình có liên quan và thông báo tới Uỷ ban nhân dân xã để thiết kế lại bản vẽ..là vi phạm quy định pháp luật đất đai và sẽ không được pháp luật công nhận việc thay đổi giáp ranh đó.

 

Như vậy, trong trường hợp bà L khởi kiện ra Tòa thì để đảm bảo quyền lợi thì gia đình bạn sẽ phải đưa ra căn cứ chứng minh cho bà L tự ý sử dụng chiếm đoạt diện tích là lối đi của các hộ xung quanh; tự ý thay đổi giáp ranh không thông báo. Trên cơ sở đó Tòa án sẽ giải quyết buộc bà L phải trả lại lối đi và khôi phục lại giáp ranh đất ban đầu.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Giải quyết tranh chấp liên quan tới lối đi chung?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169