Giải quyết tranh chấp khi điều chuyển lao động trái luật
Câu hỏi:
Chào luật sư! Rất mong nhận được sự trợ giúp của Luật sư trong trường hợp đang xảy ra với tôi tại Công ty mà tôi đang làm việc. Tôi thi tuyển và đạt chức danh quản lý 01 nhà máy điện gió, đồng thời triển khai dự án này thành công cho Công ty. Đến nay khi Dự án thành công thì Công ty muốn sa thải tôi để đưa người thân về tiếp nhận quản lý nhà máy với phương pháp là điều chuyển tôi qua hỗ trợ Dự án khác (không thuộc cùng công ty con nơi tôi ký hợp đồng) với nội dung trong Quyết định điều chuyển không có thời hạn làm việc cụ thể, không có công việc rõ ràng và vị trí rõ ràng, không có mức lương rõ ràng và Quyết định chỉ thông báo qua email vào ngày thứ 5 (ngày 23/09/2021) và trong 2 ngày nghĩ thứ 6, thứ 7 phải bàn giao xong và đến ngày chủ Nhật (ngày 26/09/2021 ) phải có mặt tại Dự án. Tôi nhận thấy email và Quyết định điều chuyển trái luật lao động Việt Nam tại Điều 28, Điều 29 nên có gửi email phản hồi Công ty làm rõ và vẫn chấp nhận bàn giao công việc cho người tiếp nhận nhưng tôi không đến nơi điều chuyển mà vẫn ở lại Nhà máy cũ. Đến ngày 29/09/2021 thì công ty có email phản hồi tôi vi phạm kỷ luật công ty vì không tuân theo Quyết định điều chuyển. Tôi có gửi email phản hồi sẽ cần công ty làm rõ các nội dung không rõ ràng trong Quyết định điều chuyển và trong thời gian chờ đợi câu trả lời thì tôi xin tạm ngừng công việc. Đến ngày 11/10/2021 thì Công ty lại gửi email tôi bỏ việc sai quy định công ty và Luật lao động, yêu cầu tôi quay trở lại công ty để làm thủ tục chấm dứt hợp đồng làm việc. Vậy hiện nay tôi cần làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân tôi. Rất mong luật sư tư vấn và hỗ trợ cho tôi! Chân thành cảm ơn và trân trọng!
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp của bạn, chúng tôi có ý kiến tư vấn như sau:
1. Tính hợp pháp của Quyết định điều chuyển:
Về lý do điều chuyển: Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động sẽ chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động trong các trường hợp: “Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động...”. Xét thấy trường hợp của bạn hiện không rơi vào các lý do điều chuyển trên, tuy nhiên bạn cần xem xét về nội quy lao động của công ty để xem xét có sự quy đình các trường hợp để điều chuyển người lao động như trường hợp của bạn hay không.
Về thời gian điều chuyển: Cũng theo quy định của Điều 29 Bộ luật Lao động 2019, việc điều chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm. Tuy nhiên, công ty không nêu rõ thời hạn làm việc cụ thể trong Quyết định nên không có căn cứ đáp ứng điều kiện này. Tại khoản 2 Điều này cũng đã quy định khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quy định tại khoản 1, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động. Như vậy, Quyết định trên cũng không đáp ứng điều kiện này, do đó có căn cứ cho rằng Quyết định này không phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Về việc công ty chấm dứt hợp đồng và hướng xử lý để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp:
Theo thông tin anh cung cấp, khi anh nhận được quyết định điều chuyển của công ty anh nhận thấy quyết định điều chuyển này không phù hợp với quy định của pháp luật. Trong trường hợp anh nhận thấy quyết định điều chuyển không phù hợp với quy định pháp luật và anh không đồng ý với quyết định này anh cần trao đổi cụ thể với công ty về lí do không đồng ý. Trong trường hợp công ty vẫn áp dụng quyết định điều chuyển dẫn đến quyền và lợi ích của anh bị ảnh hưởng anh có quyền gửi đơn đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp cơ sở nơi công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết.
Trong trường hợp của anh, khi nhận được quyết định điều chuyển mặc dù anh không đồng ý điều chuyển nhưng anh có thực hiện bàn giao công việc và có xin nghỉ trong thời gian chờ câu trả lời về việc điều chuyển không hợp lý này của công ty. Luật Minh Gia nhận định trường hợp này anh đang xin nghỉ việc không hưởng lương tại công ty.
Tại Điều 115 Bộ luật lao động 2019 có quy định về nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương như sau:
"1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương."
Theo quy định nêu trên, nếu anh muốn nghỉ việc không hưởng lương ngoài các trường hợp hợp pháp luật quy định tại Khoản 1, 2 Điều 115 nêu trên thì phải có sự thỏa thuận và được sự đồng ý của công ty. Nếu khi anh xin nghỉ trong thời gian chờ câu trả lời về việc điều chuyển của công ty nhưng công ty không thể hiện ý chí đồng ý cho anh nghỉ trong trường hợp này thì có căn cứ xác định anh tự ý nghỉ việc. Khi đó công ty có quyền áp dụng việc chấm dứt hợp đồng lao động của anh nếu anh nghỉ từ 05 ngày làm việc trở lên và không có lí do chính đáng.
Trong trường hợp khi anh xin nghỉ công ty đã thể hiện ý chí đồng ý thì việc công ty xác định anh nghỉ việc trái quy định của công ty và yêu cầu anh chấm dứt hợp đồng là không phù hợp.
Nếu anh nhận thấy việc công ty chấm dứt hợp đồng lao động gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của anh thì anh có quyền gửi đơn khiếu nại đến công ty để yêu cầu giải quyết. Trường hợp công ty không giải quyết hoặc giải quyết không đảm bảo quyền lợi của anh anh có quyền khiếu nại đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở cơ sở nơi công ty có trụ sở hoặc trực tiếp khởi kiện đến Tòa án nhân dân để yêu cầu giải quyết về việc công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với người lao động.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia. Mọi thông tin, hồ sơ bổ sung kèm theo nếu có quý khách hàng vui lòng liên hệ Hotline: 1900.6169 hoặc gửi về hòm thư tư vấn của chúng tôi để được hướng dẫn.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất