LS Thanh Hương

Giải đáp thắc mắc về so sánh cách tính lương hưu

Luật sư trả lời tư vấn về cách tính lương hưu theo quy định về bảo hiểm xã hội. Cách tính mức lương hưu trong hai năm này có gì khác nhau? Tính theo chế độ nào thì được lợi hơn cho người lao động.

Câu hỏi:

Xin chào Luật sư! Tôi hiện đang làm phó phòng kế toán Cty CP 51% vốn nhà nước ( Cty NN 100% đã CP từ 12/2015 đến nay là 51%). Thông tin cá nhân tôi: Sinh 12/1965, nữ, thời gian bắt đầu đóng bảo hiểm 10/1986. Thời gian dự kiến kết thúc 31/12/2017. Thời gian tham gia BHTN  từ 1/2009 đến 31/12/2017. Thời gian tính trợ cấp thôi việc 22 năm 9 tháng tính tròn 23 năm. Lương BQ 6 tháng: 5.915.000 đ. Thời gian BHTN  trả 6.020.000*60% =3.549.000*10 năm. Hiện nay thu nhập thực tế của tôi khoảng 12tr/tháng. Với thông tin trên, cho tôi hỏi:

1/ Đầu năm 2018 luật BHXH sẽ thay đổi kéo dài thời gian đóng BH....tôi nên nghỉ việc 31/12/2017 có lợi về chế độ BHXH hơn hay tiếp tục làm qua 2018 tôi bị thiệt thòi ?

2/ Cty tôi nói nếu muốn nghỉ thì nghỉ bây giờ luôn mới kịp làm chế độ 2017, nếu 31/12/2017 nghỉ ko kịp giám định làm xong giấy tờ chế độ trong 2017 mới được hưởng nếu nghỉ trong 2017 mà giấy tờ kéo ra 2018 thì vẫn tính chế độ từ 2018 vậy có đúng ko?

3/ Xin tính dùm tôi nghỉ 31/12/2017 và nghỉ thời điểm 31/3/2018?

Tôi đang phân vân ko biết tính sao, xin LS tính dùm tôi để tôi cân nhắc. Chân thành cảm ơn !

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về điều kiện hưởng lương hưu tại Điều 54 như sau:

Điều 54. Điều kiện hưởng lương hưu

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;

c) Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;

d) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp

Theo đó, trong trường hợp này, chị sinh năm 1965, tới nay (2017) là được 52 tuổi. Và hiện đang công tác với chức vụ phó phòng kế toán tại công ty có 51% vốn nhà nước nên không thuộc vào các trường hợp công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành. Theo đó, chị vẫn chưa đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều luật này.  Tuy nhiên, chị có thể hưởng chế độ nghỉ hưu trước tuổi và thời gian nghỉ hưu trước tuổi của chị là 03 năm.

Chúng tôi xin đưa ra cách tính mức hưởng BHXH theo năm 2017 và năm 2018 để chị hiểu rõ hơn (trong trường hợp chị đã đủ tuổi hưởng lương hưu).

Về mức hưởng lương hưu hàng tháng, Luật bảo hiểm xã hội 2014 có quy định cụ thể tại Điều 56 như sau:

Điều 56. Mức lương hưu hằng tháng

1. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

3. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.

4. Mức lương hưu hằng tháng của lao động nữ đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 54 được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội và mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội như sau: đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này. Từ đủ 16 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm đóng tính thêm 2%.

5. Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này bằng mức lương cơ sở, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 và khoản 3 Điều 54 của Luật này.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này

Tại Điều 62- Luật Bảo hiểm xã hội có quy định về cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội như sau:

Điều 62. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần

1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:

b) Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu

2. Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Do đó, bạn cần xác định mình thuộc đối tượng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định, người sử dụng lao động quyết định hay có thời gian thực hiện đóng BHXH theo cả hai chế độ trên. Từ đó, bạn sẽ xác định được mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu.

Theo như cách xác định mức lương hưu được hưởng tại Điều 56 – Luật Bảo hiểm xã hội, ta sẽ tính được:​

- Nếu hưởng lương hưu theo chế độ 2017:

Thời gian bắt đầu đóng BHXH của chị là từ 10/1986 , dự kiến kết thúc 31/12/2017. Như vậy, thời gian đóng BHXH của chị được xác định là 32 năm. Do đó, mức hưởng BHXH của chị được tính với số phần trăm là: 45% + (32-15) x 3% = 96%. Tuy nhiên, luật chỉ cho phép mức tối đa hưởng lương hưu là 75%.

Bạn nghỉ hưu trước tuổi quy định 03 năm, nên số phần trăm xác định là 75% - (2% x 3) = 69%

Cho nên, mức lương hưu hàng tháng chị nhận được theo chế độ năm 2017 là:

69% x (mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội)

- Nếu hưởng lương hưu theo chế độ 2018:

Tương tự, dựa trên quy định tại Khoản 2, Điều 56 – luật Bảo hiểm xã hội 2014, ta xác định mức hưởng lương hưu hàng tháng nếu chị nghỉ việc từ đầu năm 2018 (chưa đóng cho năm 2018) là:  45% + (32-15) x 2% = 79%.

Vẫn xác định tối đa là 75%, do nghỉ việc từ năm 2018, dựa theo tháng chính xác chị nghỉ việc mà xác định số năm nghỉ hưu trước tuổi.

Nếu chị nghỉ ngay từ đầu năm 2018 thì thời gian nghỉ hưu trước tuổi quy định vẫn xác định là 03 năm. Theo đó, số phần trăm tính được: 75% - (2% x 3) = 69%

Mức lương hưu hàng tháng chị nhận được theo chế độ năm 2018 là: 69% x (mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội)

Theo đó, sự khác biệt giữa chế độ hưởng lương hưu theo năm 2017 và năm 2018 là hệ số phần trăm dùng để tính thêm từ khi đủ 15 năm đóng BHXH, cụ thể năm 2017 sẽ được cộng 3%, năm 2018 được cộng 2%.

Tuy nhiên, do số năm bạn đóng bảo hiểm khá cao nên việc xác định mưu lương hưu hàng tháng không bị ảnh hưởng quá nhiều trong trường hợp này. Tuy nhiên, nếu bạn tiếp tục đóng BHXH và chưa nghỉ việc ngay thì có thể dẫn đến mức độ chênh lệch hưởng lương hưu lớn hơn. 

Như vậy, dựa trên công thức tính mức lương hưu hàng tháng được hưởng theo hai chế độ của năm 2017 và năm 2018 chúng tôi đưa ra, hi vọng chị sẽ tìm được phương án phù hợp nhất cho mình.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo