Gia đình có được biết kết quả khám nghiệm tử thi không?
Câu hỏi: Kính gửi quý công ty! Tôi xin trình bày sự việc và xin hỏi một số nội dung cần tư vấn như sau: con trai tôi sinh năm 2000 có đi đám cưới bạn làm cùng công ty. Tại đây, theo bạn bè nói lại với gia đình, cháu có lên sân khấu nhảy cùng với bạn bè của cô dâu, bạn bè chú rể và có xảy ra xích mích với một số đối tượng thanh niên. Sau đó, gia đình và bạn gái cháu vẫn còn liên lạc và được biết cháu đang trên đường đi tới gặp bạn. Tuy nhiên, đến lúc 21h00’ cùng ngày thì cả gia đình và bạn cháu không ai liên lạc với cháu được nữa và mọi thông tin về cháu mất tích luôn từ đó. Rạng sáng ngày 25/07/2017, sau 2 ngày tìm kiếm, gia đình nhận được tin báo tìm thấy xác cháu trôi dạt tại sông đáy. Qua công tác khám nghiệm tử thi của các cơ quan chức năng, gia đình được biết các tài sản cháu mang theo người (điện thoại, ví, tiền và giấy tờ liên quan) đều vẫn nguyên vẹn. Tuy nhiên, chiếc xe máy được cơ quan công an và người dân tìm thấy tại một địa điểm rất hoang vắng, bất thưởng, không liên quan gì đến vị trí tìm thấy xác cháu và có dấu hiệu do người khác để ở đấy. Nhận thấy sự mất tích và cái chết của con tôi có nhiều điều bất thường, gia đình tôi đã ký vào biên bản khám nghiệm tử thi của cơ quan (đại diện pháp y, công an và viện kiển sát) và biên bản hiện trường tìm thấy chiếc xe máy vào tối khuya ngày 25/07/2015. Ngày 27/7/2017, gia đình tôi đã có đơn trình báo và đề nghị điều tra gửi công an về sự việc trên. Hiện nay, cơ quan điều tra công an đang thụ lý điều tra và tìm nguyên nhân. Tôi xin hỏi một số nội dung như sau: 1. Gia đình tôi có được biết và được thông báo về kết quả khám nghiệm tử thi hay không? Nếu được thì cơ quan điều tra hay cơ quan pháp y sẽ thông báo cho gia đình? Sau bao lâu thì mới có kết quả này? 2. Trường hợp gia đình tôi không đồng ý với kết quả khám nghiệm tử thi thì chúng tôi phải làm gì? 3. Sau bao lâu thì gia đình tôi sẽ được cơ quan điều tra thông báo về kết luận điều tra. Trường hợp gia đình tôi không đồng ý với kết luận điều tra vì chưa thỏa đáng các nội dung mà gia đình tôi đã thông báo cho cơ quan điều tra thì phải làm gì để được tiếp tục điều tra lại ở cấp cao hơn? 4. Sau khi có kết luận điều tra, trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì bao lâu sẽ tiến hành xét xử?
Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, với yêu cầu của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Thứ nhất, khám nghiệm tử thi là hoạt động điều tra nhằm phát hiện dấu vết tội phạm trên thân thể của người chết. Việc khám nghiệm này được ghi nhận tại điều 151 Bộ luật tố tụng hình sự 2003. Theo đó, việc khám nghiệm tử thi do điều tra viên tiến hành có bác sĩ pháp y tham gia và phải có người chứng kiến. Cụ thể:
Điều 151. Khám nghiệm tử thi
Việc khám nghiệm tử thi do Điều tra viên tiến hành có bác sĩ pháp y tham gia và phải có người chứng kiến.
Trong trường hợp cần phải khai quật tử thi thì phải có quyết định của Cơ quan điều tra và phải thông báo cho gia đình nạn nhân biết trước khi tiến hành. Việc khai quật tử thi phải có bác sỹ pháp y tham gia.
Khi cần thiết có thể triệu tập người giám định và phải có người chứng kiến.
Trong mọi trường hợp, việc khám nghiệm tử thi phải được thông báo trước cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Kiểm sát viên phải có mặt để tiến hành kiểm sát việc khám nghiệm tử thi.
Tuy nhiên, theo quy định trên thì pháp luật không quy định cụ thể sau khi khám nghiệm tử thi có phải thông báo kết quả cho gia đình hay không? Và thời hạn trả kết quả là bao lâu? Điều này phụ thuộc vào yêu cầu của gia đình bạn và việc tiết lộ kết quả khám nghiệm có ảnh hưởng đến quá trình điều tra hay không.Trong trường hợp gia đình bạn có yêu cầu thì cơ quan điều tra là cơ quan trả kết quả cho gia đình.
Nếu sau khi gia đình bạn nhận được kết quả khám nghiệm tử thi từ phía cơ quan điều tra mà gia đình không đồng ý với kết quả khám nghiệm hoặc có căn cứ chứng minh việc giám định là không chính xác thì gia đình bạn có quyền làm đơn khiếu nại lên thủ trưởng cơ quan điều tra để yêu cầu được xem xét lại.
Thứ hai, quy định về thời hạn điều tra
Căn cứ theo quy định tại điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 thì thời hạn điều tra vụ án hình sự phụ thuộc vào mức độ phạm tội.
Điều 119. Thời hạn điều tra
1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.
2. Trong trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.
Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá hai tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng và lần thứ hai không quá hai tháng;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá bốn tháng;
d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.
Trong trường hợp gia đình bạn không đồng ý với kết quả điều tra của cơ quan điều tra mà hồ sơ vụ án chưa được chuyển lên viện kiểm sát thì bạn có thể làm đơn khiếu nại lên thủ trưởng cơ quan điều tra để yêu cầu giải quyết. Nếu hồ sơ đã được chuyển lên phía viện kiểm sát thì bạn có thể gửi đơn khiếu nại trực tiếp lên phía viện kiểm sát để được giải quyết.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng.
CV tư vấn: Thúy Vân - Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất