LS Vy Huyền

Gây tai nạn giao thông làm chết người phải chịu hình phạt tù như thế nào?

Gây tai nạn giao thông dẫn đến chết người bị xử lý như thế nào? Việc xác định lỗi trong vụ việc tai nạn giao thông dựa trên căn cứ gì? Trong trường hợp nào sẽ đặt ra trách nhiệm hình sự đối với người có lỗi gây tai nạn giao thông? … Luật Minh Gia giải đáp các thắc mắc này như sau:

1. Luật sư tư vấn về trách nhiệm hình sự khi gây tai nạn có hậu quả chết người

Việc tham gia giao thông, vi phạm các quy định về an toàn giao thông gây hậu quả chết người ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động quản lý nhà nước và gia đình người bị hại. Chính vì lẽ đó, Bộ luật Hình sự quy định tội “vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ” để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm quy định và gây hậu quả nghiêm trọng.

Nếu bạn đang có thắc mắc cần giải đáp về trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm quy định giao thông đường bộ gây hậu quả chết người, hãy gửi câu hỏi của mình về Email của công ty Luật Minh Gia hoặc liên hệ Hotline: 1900.6169 để được các Luật sư, chuyên viên pháp lý hướng dẫn tư vấn các vấn đề bạn thắc mắc như:

- Quy định của pháp luật về tội vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ;

- Hình phạt đối với tội vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ;

- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi gây tai nạn giao thông;

- Tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan về hình sự.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống Luật Minh Gia tư vấn về trách nhiệm hình sự khi gây tai nạn có hậu quả làm chết người dưới đây để có thêm căn cứ pháp lý và đối chiếu với tình huống thực tế của mình.

2. Hỏi về hậu quả pháp lý của việc gây tai nạn giao thông

Nội dung tư vấn: Vào ngày 12/1/2019 bố tôi điều khiển xe ô tô tải nhỏ. Khi qua đoạn giao nhau với đường không ưu tiên, bố tôi tiếp tục đi thẳng thì bất ngờ một xe máy đi hướng ngược chiều rẽ vào đường không ưu tiên. Vì bất ngờ nên bố tôi không phanh kịp và đâm vào người điều khiển xe máy. Hậu quả người đi xe máy chết. Sau khi có kết luận điều tra ban đầu từ cơ quan công an. Họ nói người điều khiển xe máy sai lỗi chuyển hướng và trong máu có nồng độ cồn vượt mức quy định. Còn bố tôi theo nghị định 91 của chính phủ quy định về những trường hợp phải giảm tốc độ. Thì bố tôi có lỗi là qua đoạn đường giao nhau với đường không ưu tiên, trước đó có biển cảnh báo nguy hiểm thì phải giảm tốc độ đến mức an toàn có thể dừng lại được.

Hỏi: Vậy luật sư cho tôi hỏi. Nếu đưa ra toà thì bố tôi sẽ bị phạt với mức phạt là bao nhiêu? Người kia gây ra lỗi chính có phải là tình tiết giảm nhẹ cho bố tôi hay không? Và nếu phải bồi thường thì mức bồi thường là bao nhiêu? 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Về bồi thường trách nhiệm dân sự:

Căn cứ theo quy định tại Điều 601 về Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra của Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

...

3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Căn cứ theo quy định tại Điều 591 về Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm của Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Đối với trường hợp này của bố bạn, theo thông tin bạn cung cấp thì sau khi có kết luận điều tra ban đầu từ cơ quan công an, xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn do lỗi hỗn hợp của cả 2 bên. Do đó, theo quy định của Điều 601 của Bộ luật dân sự thì bố bạn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Do hậu quả là khiến cho nạn nhân chết do đó bố bạn sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm theo quy định tại Điều 591 của Bộ luật dân sự năm 2015. Ngoài ra, gia đình bạn có thể thỏa thuận về mức bồi thường cho người nhà nạn nhân và có thể dựa vào yếu tố lỗi của hai bên để đưa ra mức bồi thường cho hợp lý.

Về chịu trách nhiệm hình sự:

Căn cứ theo quy định tại Điều 260 về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ  của Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: 

a) Làm chết người; 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; 

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; 

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 

Theo thông tin bạn cung cấp thì bố bạn có lỗi là qua đoạn đường giao nhau với đường không ưu tiên nhưng không giảm tốc độ dẫn đến gây tai nạn giao thông hậu quả làm chết người. Do đó theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 260 của Bộ luật hình sự năm 2015 thì bố bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Bố bạn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Căn cứ theo quy định tại Điều 51 về Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;

g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

...

s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;

u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;

x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

Đối với trường hợp của bố bạn, người bị hại là người gây ra lỗi chính nhưng không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015 về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, khi tiến hành xét xử Tòa án sẽ xem xét đến yếu tố lỗi của người bị hại để đánh giá tính chất, mức độ đối với hành vi của bố bạn đã gây ra đối với người bị hại để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và ra quyết định hình phạt tương ứng với hành vi của bố bạn gây ra.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo