Gây tai nạn giao thông làm chết một người, một người bị thương?

Xin chào Công ty Luật Minh Gia, tôi có một câu hỏi mong được quý công ty giải đáp cho tôi. Tôi có một người bạn, anh ấy là người nước ngoài đến đây làm việc.Trong quá trình đi về nhà bằng xe ô tô của công ty, anh ấy điều khiển có gây tai nạn giao thông đâm vào một chiếc xe máy, khiến một người đàn ông 44 tuổi bị chết và một người phụ nữ 60 tuổi bị thương (gãy 4 xương sườn).

 

Nhưng anh bạn tôi chưa có bằng lái xe ô tô tại việt nam mà chỉ có bằng của nước anh ấy và cũng không được phía công an công nhận là bằng có giá trị. Anh đã thỏa thuận và đền bù cho người bị chết 250 triệu và họ cam kết không khiếu nại hay kiện cáo gì, còn phía người bị thương thì đang chờ thương lượng tiếp. Vậy bạn tôi còn cần phải thực hiện những nghĩa vụ gì về phía công an để hoàn tất hồ sơ và nghĩa vụ của mình. Kính mong luật sư của công ty giải đáp giúp, xin chân thành cảm ơn. 

 

 

Trả lời tư vấn : Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin được trả lời câu hỏi tư vấn của bạn như sau: 

 

- Thứ nhất, về trách nhiệm hình sự

 

Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

 

“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

 

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

 

a) Làm chết người;

 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên;

 

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

 

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.…”

 

Ngoài ra, theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC thì hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đó phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả.

 

Theo thông tin cung cấp thì người điều khiển phương tiện trong trường hợp này không có Giấy phép lái xe do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Hành vi không có GPLX này không được coi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả.

 

Như vậy, nếu người nước ngoài này chỉ có hành vi vi phạm là không có GPLX thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

- Thứ hai, về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại

 

Theo quy định tại Điều 597 Bộ luật dân sự năm 2015, thì: Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

 

Căn cứ theo Điều 584 bộ luật dân sự năm 2015 căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

 

“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

 

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

 

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác...”

 

Căn cứ theo Điều 591 bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm như sau:

 

“1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

 

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

 

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.

 

Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên bạn của bạn sẽ phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mình gây ra.

 

Trân trọng!

CV. Trần Thị Linh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169