Đương sự là gì theo quy định pháp luật
Mục lục bài viết
1. Đương sự gồm những ai?
Các đương sự trong vụ việc dân sự có thể là cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức, tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự; người yêu cầu, người bị yêu cầu, người có liên quan trong việc dân sự.
Có 2 loại vụ việc dân sự là vụ án dân sự (giữa các bên đương sự có tranh chấp) và việc dân sự (Yêu cầu giải quyết vụ việc của các chủ thể mà không xảy ra tranh chấp). Hai loại vụ việc trên sẽ xác định tư cách đương sự khác nhau. Đặc điểm của các đương sự trong mỗi loại vụ việc sẽ xác định khác nhau.
- Đối với vụ án dân sự, đương sự bao gồm: Nguyên đơn; bị đơn; Người có quyền và nghĩa vụ liên quan
- Đối với việc dân sự thì đương sự bao gồm: Người yêu cầu giải quyết việc dân sự và Người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
2. Đương sự trong vụ án dân sự
2.1. Nguyên đơn trong vụ án dân sự
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 68 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 thì: “Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.
Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn”.
Như vậy theo quy định, nguyên đơn không nhất định phải là bên bị thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp phải trực tiếp khởi kiện. Đây là trường hợp chủ thể đã bị thiệt hại trên thực tế nhưng chưa đầy đủ về năng lực hành vi tố tụng dân sự thực hiện các quyền và nghĩa vụ cần thiết.
Chủ thể đang có tranh chấp về lợi ích với một chủ thể khác và họ nhận định lợi ích hợp pháp của mình bị bên kia xâm phạm. Nhận định này không nhất định là đúng trên trên thực tế tuy nhiên nguyên đơn vẫn có quyền khởi kiện. Yêu cầu của họ có được xác định là phù hợp với thực tế hay không phụ thuộc vào quá trình họ chứng minh trong các giai đoạn tố tụng.
2.2. Bị đơn trong vụ án dân sự
Căn cứ theo Khoản 3 Điều 69 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 thì: “Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.”
Bị đơn là bên được nhận định là đã xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của chủ thể khác trên thực tế. Trong quá trình tố tụng họ quyền chứng minh bản chất hành vi của mình là hợp pháp và chứng minh yêu cầu của bên nguyên đơn đối với họ là không phù hợp. Bên cạnh đó, bị đơn cũng có quyền đưa ra yêu cầu của minh đối với nguyên đơn cũng như với người có quyền và lợi ích liên quan nếu nhận định các chủ thẻ này cũng đã gây thiệt hại cho lợi ích của mình.
2.3. Người có quyền và nghĩa vụ liên quan
Căn cứ theo Khoản 4 Điều 68 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 thì: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”
Như vậy người có quyền và nghĩa vụ liên quan không phải bên khởi kiện hay bên bị kiện nhưng việc giải quyết vụ án dân sự không thể triệt để nếu không có sự tham gia của họ. Họ có thể được một bên đương sự yêu cầu đưa vào tham gia tố tụng hoặc được Tòa án xét thấy cần thiết đưa họ vào tham gia tố tụng.
Thông thường người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng độc lập có đủ điều kiện pháp lý khởi kiện vụ án dân sự nhưng do vụ án dân sự đã xuất hiện giữa nguyên đơn, bị đơn nên họ phải tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình nếu không việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ sau đó sẽ gặp khó khăn hơn.
Người có quyền và nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng không độc lập là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng phụ thuộc vào nguyên đơn hoặc bị đơn. Khi tham gia tố tụng của họ vẫn có quyền quyết định trong phạm vi quyền lợi của họ. Và sự tham gia tố tụng của họ có thể có lợi cho bị đơn hoặc nguyên đơn.
3. Đương sự trong việc dân dự
3.1. Người yêu cầu giải quyết việc dân sự
Căn cứ theo Khoản 5 Điều 68 Bộ Luật tố tụng dân sự thì: “Người yêu cầu giải quyết việc dân sự là người yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý làm căn cứ phát sinh quyền, nghĩa vụ về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.”
Người yêu cầu giải quyết việc dân sự là chủ thể chưa được thực hiện các lợi ích pháp lý nhất định và họ đưa vụ việc để Tòa án giải quyết như nguyên đơn trong vụ án dân sự khi tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
3.2. Người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến giải quyết việc dân sự
Giống như người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến giải quyết vụ án dân sự, việc giải quyết lợi ích pháp luật cho chủ thể có yêu cầu giải quyết việc dân sự chỉ có thể thực hiện triệt để khi có sự tham gia tố tụng của họ. Họ có thể được đưa vào tham gia tố tụng theo yêu cầu của người yêu cầu giải quyết việc dân sự hoặc dựa trên quyết định của Tòa án.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất