Luật sư Dương Châm

Đường một chiều là gì? Đường cấm là gì theo quy định?

Đường một chiều, đường cấm là một trong những tuyến đường phổ biến hiện nay. Do đó khi tham gia giao thông, việc bắt gặp các biển báo đường một chiều, đường cấm trên các tuyến đường không hề hiếm gặp. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về các loại biển báo này, dẫn đến trường hợp không ít người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phạm lỗi đi ngược chiều hoặc đi vào đường cấm. Vậy pháp luật về giao thông có quy định như thế nào về trường hợp này?

1. Quy định về đường một chiều

1.1. Đường một chiều là gì?

Tại Điều 3 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về báo hiệu đường bộ có quy định: Đường một chiều là đường chỉ cho đi một chiều”. Có thể hiểu, đường một chiều là con đường chỉ được phép lưu thông theo một chiều nhất định, các phương tiện di chuyển với nhau theo cùng một chiều đi và không có phương tiện nào trên đường này di chuyển theo chiều ngược lại. Quy định về đường một chiều áp dụng cho mọi phương tiện cơ giới ngoại trừ xe ưu tiên như xe cứu thương, xe chữa cháy đang thực hiện nhiệm vụ,… Trong trường hợp do cố ý hoặc vô ý mà bạn đi theo chiều cấm thì bạn sẽ bị xử phạt hành chính.

1.2. Nhận diện biển báo đường một chiều

Để tránh mắc phải lỗi đi ngược chiều, người tham gia giao thông cần nắm được ý nghĩa của một số loại biển báo về đường một chiều như sau:

Biển báo cấm vào đường 1 chiều

Biển báo 102 - cấm đi ngược chiều. Biển này cắm ở đầu ngã 3, ngã 4, báo rằng: đường cấm tất cả các loại xe đi theo chiều đặt biển, trừ xe được ưu tiên.

Biển chỉ dẫn đường 1 chiều 407a

Biển báo đường một chiều R407a, thường được đặt sau nơi đường giao nhau. Biển báo sẽ cho bạn biết hướng di chuyển đúng chiều theo chiều mũi tên trên biển báo đã chỉ dẫn. Ngoài ra, biển báo này cũng cho bạn biết rằng: bạn không được phép quay đầu xe khi đã di chuyển vào đường một chiều.  

Biển báo đường 1 chiều 407b

Biển báo R407b, thường được đặt trước nơi đường giao nhau. Biển báo này chỉ dẫn những đoạn đường xe sẽ được lưu thông theo một chiều khi rẽ phải. Đồng thời, khi bạn di chuyển vào đoạn đường này, bạn không được phép quay đầu xe, ngoại trừ các loại xe ưu tiên theo quy định của pháp luật.

Biển báo đường 1 chiều 407c

Biển báo R407c, thường được đặt trước nơi đường giao nhau và chỉ dẫn bạn đi vào đường một chiều rẽ trái. Cũng như quy định chung về đường một chiều: trong quá trình di chuyển, bạn không được phép quay đầu xe trừ trường hợp những loại xe được ưu tiên.  

1.3. Mức xử phạt vi phạm khi đi ngược chiều

Theo quy định hiện hành, mức xử phạt hành vi đi ngược chiều được căn cứ tại Điều 5, 6, 7, 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô đi ngược chiều trên đường có biển cấm đi ngược chiều bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

- Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy đi ngược chiều trên đường có biển cấm đi ngược chiều bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

- Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng đi ngược chiều trên đường có biển cấm đi ngược chiều bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

- Người điều khiển người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác đi ngược chiều trên đường có biển cấm đi ngược chiều bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.

Ngoài ra, nếu hành vi điều khiển phương tiện đi ngược chiều trên đường có biển cấm đi ngược chiều gây tai nạn giao thông, mức xử phạt sẽ tăng nặng hơn, cụ thể:

- Đối với xe ô tô: 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.

- Đối với xe mô tô, xe gắn máy: 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

- Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng: 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

2. Quy định về đường cấm

2.1. Đường cấm là gì? Biển báo đường cấm là gì?

Đường cấm được hiểu là loại đường không cho phép một, một số hoặc toàn bộ các phương tiện đường bộ lưu thông. Biển báo đường cấm là loại biển báo quan trọng trong các loại biển báo giao thông đường bộ, biển báo này chỉ dẫn cho những người tham gia giao thông không thực hiện những điều cấm mà biển đã báo trên một đoạn đường nhất định; đồng thời yêu cầu những người điều khiển phương tiện giao thông phải tuân thủ tuyệt đối và nghiêm chỉnh chấp hành theo biển báo. Nếu người tham gia giao thông không tuân thủ và vi phạm thì họ sẽ vi phạm luật giao thông và bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đây là nhóm biển báo đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các loại biển báo giao thông đường bộ tại Việt Nam, trong đó biển báo đường cấm đi ngược chiều là một trong những biển báo cấm phổ biến nhất có thể thấy.

2.2. Nhận diện biển báo đường cấm

Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông muốn biết đường nào là đường cấm, cần quan sát các biển báo cấm có dạng hình tròn, viền đỏ, nền màu trắng, trên nền có hình vẽ hoặc chữ số, chữ viết màu đen.

Biển báo đường cấm được đặt ở vị trí bên ngoài hành lang để người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông dễ nhìn thấy và có đủ thời gian để chuẩn bị đề phòng, thay đổi hướng hoặc thay đổi tốc độ nhưng không được làm cản trở tầm nhìn của người tham gia giao thông và sự đi lại của những người tham gia giao thông khác.

Biển báo đường cấm phải được đặt thẳng đứng, mặt biển quay về hướng đối diện chiều đi; biển được đặt về phía tay phải hoặc phía trên phần đường xe chạy (trừ các trường hợp đặc biệt). Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể mà pháp luật cho phép, có thể đặt bổ sung biển báo ở bên trái theo chiều đi.

2.3. Mức xử phạt vi phạm khi đi vào đường cấm

Đối với trường hợp đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển (trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định), tùy từng phương tiện mà người vi phạm phải chịu các mức phạt khác nhau theo Điều 5, 6, 7, 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

- Người điều khiển xe ô tô đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu cấm xe ô tô thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trừ các loại xe được ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp hoặc các hành vi vi phạm tại điểm c khoản 5, điểm a khoản 8 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

- Người điều khiển xe máy đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu cấm xe máy thì bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng trừ các loại xe được ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp hoặc các hành vi vi phạm tại điểm c khoản 5, điểm b khoản 6 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

- Người điều khiển xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu cấm xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện thì bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.

- Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu cấm máy kéo, xe máy chuyên dùng thì bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện còn có thể bị tước giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169