Dùng tuýp sắt gây thương tích cho người khác sẽ bị xử lý như thế nào?
Thưa luật sư tôi muốn hỏi trường hợp tình huống như sau, mong luật sư tư vấn giúp: Tôi anh S và anh H cùng nhau đi uống bia và gặp anh T bạn của anh S. Anh S giấu chìa khóa xe của anh T ý muốn anh T cùng ngồi uống chưa cho về. Tôi có nói anh uống ly bia với bọn em cho vui anh T không chịu còn nói những lời súc phạm tới tôi. Không chịu được tôi có đánh anh T một cái sau đó mọi người can ngăn. Tôi có qua xin lỗi anh T và xin giảng hòa. Anh T không chịu còn tuyên bố sẽ giết tôi. Liền đó anh T bỏ về nhà rồi quay lại với cây tuýp sắt lao vào tấn công tôi, trong lúc giằng co tôi giật được cây tuýp sắt và đánh một cái về phía anh T gay vết thương rách da và chảy máu. Sự việc xảy ra như vậy. Mong luật sư tư vấn giúp tôi nếu họ kiện ra tòa thì mức phạt cao nhất cho tôi như thế nào. Tôi xin cảm ơn!
Trả lời: Cảm ơn anh đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của anh, chúng tôi tư vấn như sau:
Căn cứ theo thông tin anh cung cấp, anh và anh T có xảy ra mâu thuẫn với nhau. Trong quá trình xảy ra xô xát, anh có giật lại tuýp sắt từ anh T và đánh lại anh T gây vết thương rách da và chảy máu. Do đó, để xác định trách nhiệm pháp lý đối với anh trong trường hợp này thì phải căn cứ vào hành vi vi phạm, tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về trách nhiệm hình sự
Căn cứ theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:
“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
…”.
Ngoài ra, tại tiểu mục 3.1 Mục 3 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định:
“Dùng hung khí nguy hiểm” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Hình sự là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.
Và tại tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn như sau:
“2. Về khái niệm "vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác" quy định tại điểm d khoản 2 Điều 133 Bộ luật Hình sự
2.1. "Vũ khí" là một trong các loại vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ).
2.2. "Phương tiện nguy hiểm" là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.
…”.
Như vậy, đối chiếu quy định nêu trên thì tuýp sắt trong trường hợp này được xác định là phương tiện nguy hiểm. Ngoài ra, sẽ căn cứ vào kết quả giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể để xem xét trách nhiệm hình sự.
Trường hợp nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể của anh T dưới 11%, đồng thời xác định được anh có dùng hung khí nguy hiểm để gây thương tích thì anh sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Theo đó anh bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Tuy nhiên, nếu thương tích của anh T là dưới 11% và anh T làm đơn xin rút yêu cầu khởi tố thì phía cơ quan công an sẽ đình chỉ vụ án. Khi đó, hai bên có thể tự thỏa thuận, thương lượng vấn đề bồi thường thiệt hại về sức khỏe.
Nếu tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên tới 30% và dùng hung khí nguy hiểm thì anh sẽ bị truy cứ trách nhiệm hình sự theo khoản 2 điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 với khung hình phạt từ 02 tới 06 năm tù.
Thứ hai, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Căn cứ tại Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:
“Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”.
Như vậy, ngoài vấn đề phải chịu trách nhiệm hình sự thì anh sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho anh T theo quy định trên. Về mức bồi thường các bên có thể thương lượng, thỏa thuận với nhau. Trường hợp không thỏa thuận được, có thể yêu cầu Tòa án xem xét và quyết định mức bồi thường dựa trên thiệt hại thực tế.
Trân trọng.
CV tư vấn: Phạm Diệu - Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất