LS Vy Huyền

Dùng hình ảnh tống tiền người khác thì bị xử lý thế nào?

Chương XVI Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 quy định rất rõ các tội phạm xâm phạm quyền sở hữu và đều được đánh giá là nghiêm khắc hơn so với Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi 2009. Luật sư sẽ tư vấn rõ hơn về vấn đề này.

1. Luật sư tư vấn về tội phạm xâm phạm quyền sở hữu.

Quyền sở hữu là một trong những quyền được pháp luật ghi nhận trong Bộ luật dân sự 2015 và được bảo vệ theo quy định của Bộ luật dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính và Bộ luật hình sự 2015. Thời đại 4.0 là một thời đại mà ở đó khoa học, công nghệ chiếm ưu thế trong hầu hết các ngành kinh tế, song các tội phạm về xâm phạm quyền sở hữu lại có diễn biến phức tạp với thủ đoạn tinh vi hơn và rất khó phát hiện. Mạng xã hội ngày càng phát triển sẽ tạo điều kiện cho loại tội phạm ngày có môi trường hoạt động, và chúng sẽ sử dụng chính mạng xã hội để tiếp cận, khai thai thông tin người bị hại để phục vụ cho quá trình phạm tội.

Các tội phạm xâm phạm về quyền sở hữu có thể kể đến như: Tội trộm cắp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, tội chiếm giữa trái phép tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội sử dụng trái phép tài sản, tội cố ý hủy hoại hoặc cố ý hủy hoại tài sản của người khác

Nếu bạn đang gặp khó khăn về vấn đề này, đừng ngần ngại hãy liên lạc với chúng tôi qua hotlline 1900.6169 để được hỗ trợ và giải đáp những thắc mắc các vấn đề pháp lý.

Để giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này, Luật Minh Gia xin gửi đến bạn tình huống dưới đây để bạn có thể tham khảo và đưa ra hướng giải quyết phù hợp.

2. Sử dụng hình ảnh để tống tiền người khác thì xử lý thế nào?

Câu hỏi: Sự việc cụ thể như sau: Tôi có một người bạn đã quay hình ảnh nhạy cảm của một người,  Anh  ấy hỏi tôi nếu giờ tống tiền có kiếm được tiền không, Tôi không nghĩ gì nói chắc là có đấy anh xem ti vi thì biết mà bị bắt thì chết (Tôi chỉ nghĩ anh đùa thôi).

Ngày hôm sau tôi có qua nhà anh chơi và hỏi lại việc anh về clip và bức ảnh Anh nói: anh đã gửi hình ảnh đe doạ nó.Tôi nói cho em xem tin nhắn nào, Tôi xem tin nhắn rồi bảo nó có trả lời đâu chỉ hiện đã nhận (tin nhắn zalo), anh  này nói chắc nó không biết chữ và bảo tôi gửi tin nhắn thoại nhờ vì người phụ nữ trong ảnh là bồ của anh trai ruột anh ấy Tôi nghĩ anh quen chị ta nên tưởng đùa nên lỡ nhắn tin thoại giúp anh. Sáng hôm sau anh sang nhà tôi bảo anh tống tiền nó 100 triệu nhưng sợ nó không có anh bảo 10 triệu nhưng người phụ nữ kia bảo 5 triệu thôi, Anh có bảo tôi đi rửa ảnh cùng để gửi đến nhà người phụ nữ. Nếu được tiền chia cho tôi 1 nửa. Tôi bảo không được đâu, đi rửa ảnh là công an bắt vì lộ đấy. Rồi tôi đi chơi, sau đó  buổi chiều anh này bị công an bắt và tối tôi bị mời lên hỏi cung. Trong quá trình hỏi cung, tôi nhận là bàn bạc với người bạn này để tống tiền. Tôi kí vào lời khai như vậy, Tôi đang rất băn khoan. Tôi muốn hỏi trong trường hợp này tội của tôi sẽ bị xử phạt như thế nào? Lời khai khi ra toà liệu tôi có được lật lại không? Kính mong luật sư giúp đỡ. Tôi xin trân thành cảm ơn!

Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, với yêu cầu cuả bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Thứ nhất,  Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn  có hành vi dùng clip nhạy cảm để đe dọa, tống tiền người khác. Hành vi này bị cơ quan công an phát hiện được gọi lên hỏi cung.

Căn cứ theo quy định của bộ luật hình sự 2015 thì hành vi của bạn có thể bị truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản theo điều 170. Cụ thể:

Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

Hành vi sử dụng clip nhạy cảm để tống tiền thuộc trường hợp dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Do vậy, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản. Người phạm tội này sẽ bị phạt tù với khung hình phạt thấp nhất là từ một năm đến năm năm tù và khung cao nhất là từ mười hai đến hai mươi năm tù. Bên cạnh đó, họ có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tùy vào tính chất phức tạp và nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

Đối với trường hợp của bạn vì bạn có biết việc bạn mình tống tiền người khác mà bạn không ngăn cản hoặc trình báo cơ quan công an mà còn có hành vi giúp sức, gửi tin nhắn thoại cho người bị đe dọa. Do đó, trong trường hợp này bạn có thể bị truy cứu với vai trò đồng phạm theo điều 17 Bộ luật hình sự 2015. Theo đó, tùy theo mức độ lỗi cũng như vai trò của bạn trong việc thực hiện hành vi phạm tội mà tòa án sẽ đưa ra mức hình phạt cụ thể.

Điều 17 Bộ luật hình sự 2015 quy định về đồng phạm như sau:

Điều 17. Đồng phạm

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.

 Thứ hai, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, lời khai của người tham gia tố tụng nói chung và của người làm chứng nói riêng chỉ là “nguồn chứng cứ” chứ không phải là chứng cứ. Vì vậy, nếu tại phiên tòa bạn có thêm thông tin khác về vụ án thì có thể thay đổi lời khai tại phiên tòa. Tuy nhiên, lời khai đó phải được chứng minh bằng các chứng cứ xác thực trên thực tế, tòa án sẽ xem xét nếu thấy lời khai phù hợp với tình tiết khác của vụ án thì lời khai đó có thể được tòa án chấp nhận. Còn trường hợp lời khai của bạn tại tòa án khác so với lời khai trước đó tại cơ quan điều tra mà bạn không có bằng chứng chứng minh tính xác thực của lời khai thì lời khai đó không được tòa án chấp nhận.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169