Dùng dao chặt ống nước của người khác có phạm tội không?
Nội dung tư vấn: Em xin chào luật sư Minh Gia, luật sư cho em hỏi em trong lúc say có lỡ nóng tính chặt đứt đường ống dẫn nước vào rẫy (vườn nhà) của nhà người ta, vì người này tự ý đặt ống nước dưới đường mương nước thủy lợi, gây ùn tắc nước trào ra đường đi chung gây xói mòn tạo thành rãnh sâu nên mẹ em đi bị trượt té nằm bệnh viện, em có nhắc nhở nhiều lần nhưng người chủ ống nước không khắc phục hậu quả nên trong lúc nóng và xót do mẹ em té nên em mới chặt ống nước, người chủ ống nước thấy vây mới lời qua tiếng lại và nói với em 1 câu (mẹ mày có té chết cũng được không liên quan đến tao) nên em mới nổi nóng lên cầm dao định đánh nhưng không đánh, chỉ túm cổ áo và đẩy người đó 1 cái rồi đi vô nhà lấy xe đi công chuyện, thì người chủ này mới chặn xe em lại, vì đường ra vào nhà em chỉ duy nhất 1 con đường đi chung này không có đường khác. Người đó gọi công an xã, ra xã em có trình bày sự việc như trên, công an xã lập biên bản tạm giữ xe em và 1 con dao dùng để chặt ống nước.
Xin hỏi luật sư em đã phạm những tội gì và mức phạt như thế nào ạ?
Công an xã lập biên bản tạm giữ phương tiện của em là đúng hay không vì khi em chặt ống là em đi bộ, em chỉ lấy xe ra đi công chuyện thì bị chặn lại.
Mong luật sư giải đáp cho em sớm ạ!
Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Căn cứ thông tin mà bạn cung cấp, bạn có hành vi chặt ống nước của người khác là hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác. Vì vậy nếu gây thiệt hại về tài sản cho người khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên thì có thể bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản người khác theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017:
“1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
...”
Trường hợp không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định nêu trên, hành vi của bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
“Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác
...
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;
...”
Trường hợp, có căn cứ xử phạt vi phạm hành chính thì việc cơ quan chức năng thực hiện thu thu giữ phương tiện của bạn thì căn cứ theo quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:
“1. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây:
a) Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của khoản 3 Điều 60 của Luật này;
b) Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;
c) Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều này.
2. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện quy định tại khoản 1 Điều này phải được chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành.
Trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định tại Điều 79 của Luật này, sau khi nộp tiền phạt lần đầu thì người vi phạm được nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ.
...”
Như vậy nếu chiếc xe là phương tiện bạn sử dụng trong quá trình thực hiện hành vi vi phạm mà việc thu giữ chiếc xe nhằm xác minh tình tiết quan trọng của vụ việc, nếu không tạm giữ chiếc xe thì không có căn cứ để ra quyết định xử phạt thì cơ quan giải quyết vụ việc của bạn có căn cứ để thu giữ chiếc xe. Mặt khác, căn cứ thông tin bạn cung cấp chiếc xe không liên quan đến quá trình bạn thực hiện hành vi chặt ống nước ban đầu và cũng không phải phương tiên mà bạn dùng khi xảy ra xô sát với người hàng xóm. Do đó có thể thấy việc công an xã thu giữ chiếc xe của bạn là không đủ cơ sở theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng
Phòng Luật sư tư vấn Luật Hình sự - Công ty Luật Minh Gia.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất