Luật gia Nguyễn Nhung

Đưa tiền để chạy học cho con thì phạm tội gì?

Luật sư tư vấn về trường hợp đưa tiền để chạy học cho con thì có bị truy cứu về tội đưa hối lọ không?

Nội dung tư vấn:

Thưa luật sư cho em hỏi : có người nhận chạy được cho em trai em vào học trường HV CSND nên mẹ đã đồng ý đưa cho người đó số tiền là bốn trăm năm mươi triệu đồng. Đến ngày hẹn người đó không làm được, sau đó hứa hẹn sẽ trả lại tiền, nhưng mãi không trả được nên mẹ em đã làm đơn trình báo vụ việc lên công an và người đó đã bỏ trốn. Như vậy mẹ em có bị vi phạm vào tội đưa hối lộ không và có bị xử lý gì về pháp luật không ạ. Và số tiền đó khi bên công an làm rõ được vụ việc thì mẹ em có được nhận lại hoàn toàn không ? Em xin cảm ơn !

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia chúng tôi, tại Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 có quy định về tội đưa hối lộ như sau:

"1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.…”

Như vậy, nếu người nhận tiền của mẹ bạn có chức vụ quyền hạn thì hành vi của mẹ bạn có thể cấu thành tội đưa hối lội theo quy định nêu trên. Đồng thời, người nhận tiền có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

"1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;”

Trường hợp người nhận tiền không có chức vụ quyền hạn, cũng không có khả năng sẽ xin được cho em trai bạn vào nhập học tại học viện cảnh sát nhân dân mà các thông tin họ đưa ra chỉ nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì hành vi đó có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

"1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

…”

Gia đình bạn có thể nhận lại số tiền nếu thuộc Khoản 7 Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

“7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.”

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169