LS Thanh Hương

Đưa thông tin sai sự thật bị xử lý thế nào?

Luật sư tư vấn về trường hợp cán bộ ngân hàng có những cáo buộc không có căn cứ với người chậm thực hiện nghĩa vụ trả nợ, và những hậu quả pháp lý xoay quanh vấn đề này. Nội dung cụ thể như sau:

Câu hỏi:

Xin chào Luật sưTôi gởi mail này, kính đến luật sư xem xét tư vấn cho tôi một việc như sau: Về hợp đồng vay tín chấp và vu khống cho tôi về vấn đề lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vào đầu tháng 02 năm 20xx, tôi có ký hợp đồng vay tín chấp với Cty tài chính với số tiền 20.000.000 đồng thời hạn trả là 03 năm. Kể từ lúc ký hợp đồng đến nay tôi đã thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình cho  là 10 tháng với số tiền mỗi tháng là 1.542.000 đồng. Bước sang tháng 11 do đang khó khăn về kinh phí nên tôi chưa đóng tiền cho Cty và trễ hạn khoảng 20 ngày, phía Cty liên tục gọi điện cho tôi và có những lời lẽ xúc phạm đến danh dự của tôi nào là " Nói tôi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, ký kết hợp đồng cung cấp sai thông tin, chưởi mắn tôi" phía nhân viên cty này còn dùng tin nhắn gởi cho tôi " Yêu cầu tôi thực hiện theo quyết định 09/2017 cáo buộc tôi có hành vi trốn tránh vi phạm nghiêm trọng điều lệ ngân hàng, chính thức vi phạm điều 139 Bộ luật hình sự 2015 lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản từ 500.000 đồng đến 50.000.000 đồng phạt từ từ 06 đến 36 tháng tù".

Kính thưa Luật sư, tôi nhận được 02 tín nhắn có nội dung như vậy, và bà xã tôi có nhận 01 tin nhắn cũng nội dung như vậy. Gia đình tôi rất bức xúc với những lời lẽ vu khống như vậy; Trong khi từ lúc ký kết hợp đồng đến nay tôi vẫn thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình. Những số điện thoại từ phía Cty này, hay nhân viên liên hệ tôi liên lạc lại thì đó là thông tin một chiều tôi không liên lạc được, hoặc nhân viên sử dụng số điện thoại cá nhân 11 số để điện thoại và chưởi mắn và không xưng tên hay mã số nhân viên. Bức xúc trước những hành vi này, kính mong luật sư tư vấn giúp tôi đối với trường hợp này của mình việc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán hợp đồng của mình cho Cty X thì tôi sẽ chịu sự điều chỉnh của Bộ luật nào và điều khoản nào? Riêng đối với trường hợp nhắn tin xúc phạm đến danh dự, vu khống cho tôi với nội dung như "Yêu cầu tôi thực hiện theo quyết định 09/2017 cáo buộc tôi có hành vi trốn tránh vi phạm nghiêm trọng điều lệ ngân hàng, chính thức vi phạm điều 139 Bộ luật hình sự 2015 lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản từ 500.000 đồng đến 50.000.000 đồng phạt từ từ 06 đến 36 tháng tù" với nội dung tin nhắn này khẳng định tôi là người lừa đảo và tôi liên tục nhận 03 tín nhắn như vậy, thì tôi có vi phạm vào điều khoản của Bộ Luật hình sự và với nội dung tin nhắn như vậy đã đủ yếu tố để tôi khởi kiện vụ việc vu khống của Cty tài chính, các số điện thoại do CTy này điện đến thì không liên lạc lại được, nhân viên thì tự xưng làm việc tại Bộ phận xử lý nợ.Mong nhận được hồi âm của Luật sư.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Giam, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Bộ luật Hình sự như sau:

''Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

 a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

 b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.''

Như vậy, để có thể xác định bạn phạm phải tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chỉ khi bạn có hành vi vay tiền từ phía ngân hàng mà lại có thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt số tiền đã vay đó. Ở đây, nếu bạn không có hành vi gian dối, cung cấp sai thông tin cho ngân hàng, hoặc không bỏ trốn khỏi địa phương nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng thì không thể kết luận bạn phạm tội lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản.

Trong trường hợp này, có thể bạn sẽ bị ngân hàng khởi kiện dân sự về vấn đề kiện đòi tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại do chậm thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Còn vấn đề xác định xem hành vi của bạn có cấu thành tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không thuộc về thẩm quyền của cơ quan điều tra, phía ngân hàng chỉ có thể tố giác bạn với cơ quan công an chứ không có thẩm quyền kết tội bạn. Nếu cơ quan điều tra ra kết luận hành vi của bạn có dấu hiệu của tội lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản sản thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh này. Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp thì chúng tôi cho rằng, hành vi của bạn không có dấu hiệu của tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tội vu khống được quy định cụ thể tại Bộ luật Hình sự như sau:

''Tội vu khống

1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.''

Một người có thể bị đưa vào tội vu khống nếu có hành vi đưa ra những thông tin không đúng sự thật và có nội dung xúc phạm tới danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác. Hoặc không trực tiếp đưa ra thông tin mà có hành vi loan truyền tiếp những thông tin này mà người khác đã đưa ra. Đặc biệt là các hành vi tố cáo người khác có hành vi phạm trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như công an, hải quan, viện kiểm sát,…mặc dù thực tế người này không có hành vi đó.

Như vậy, nếu phía ngân hàng có hành vi cáo buộc bạn về tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, mặc dù bạn không có hành vi lừa dối hoặc lẩn trốn để chiếm đoạt số tiền đã vay, thì cáo buộc từ phía ngân hàng là không có căn cứ. Vấn đề “bịa đặt” được xác định trong tội vu khống được hiểu là khi ngân hàng cung cấp thông tin hoàn toàn sai lệch về bạn, loan truyền những thông tin đó dù biết thông tin ấy sai sự thật, hoặc dùng thông tin giả để đi tố giác bạn với cơ quan điều tra.

Bên cạnh đó, hành vi cáo buộc không có căn cứ khác với hành vi cố tình bịa đặt thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Như vậy, ngân hàng mới chỉ dừng lại ở việc cáo buộc không có căn cứ, nhưng chưa thể xác định ngân hàng phạm vào tội vu khống vì chưa làm rõ được phía họ có đơm đặt những thông tin không chính xác để tố giác với cơ quan có thẩm quyền hoặc loan truyền nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bạn hay không.

Để làm rõ về hành vi của phía ngân hàng có đủ dấu hiệu cấu thành tội vu khống hay không, bạn có thể trình báo với cơ quan điều tra để tiến hành giải quyết vụ việc, nếu có đủ dấu hiệu để cấu thành tội danh, phía ngân hàng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường cho bạn về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín. Còn nếu trong trường hợp hành vi của ngân hàng không cấu thành tội vu khống thì cơ quan điều tra cũng sẽ có câu trả lời cho gia đình bạn.

Vấn đề bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, pháp luật có quy định cụ thể tại Điều 592 – Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Hi vọng với những phân tích ở trên, bạn và gia đình sẽ hiểu rõ hơn về quy định của pháp luật và bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo