Đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xử lý thế nào?
1. Luật sư tư vấn về bảo hiểm xã hội
Chế độ hưu trí là chế độ phát sinh khi người lao động có đủ thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và đủ độ tuổi theo quy định của pháp luật. Hiện nay, chế độ hưu trí được quy định cụ thể tại Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, tuy nhiên sang năm 2021 chế độ hưu trí đối với lao động nam và lao động nữ sẽ có sự thay đổi do có sự điều chỉnh của pháp luật.
Do chế độ hưu trí là chế độ quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội, do đó người tham gia bảo hiểm nên có sự hiểu biết các quy định của pháp luật để xác định điều kiện nghỉ hưu của bản thân theo quy định của pháp luật để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi mình được hưởng.
Nếu bạn có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến điều kiện nghỉ hưu và các vấn đề khác liên quan đến các chế độ bảo hiểm xã hội thì bạn có thể liên hệ với Công ty Luật Minh Gia thông qua các hình thức như gửi Email tư vấn để được đội ngũ luật sư, chuyên viên tư vấn pháp luật bảo hiểm của chúng tôi hỗ trợ tư vấn kịp thời.
2. Trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội
Câu hỏi: Cho tôi hỏi về hưởng lương hưu như sau: Tôi muốn hỏi, Mẹ tôi năm nay 52 tuổi, tính đến 55 tuổi thì công tác được 13 năm 10 tháng. Sau khi nghỉ hưu, mẹ tôi muốn đóng bảo hiểm xã hội tiếp cho đủ 20 năm để sau này có lương hưu thì có được không? Có phải theo luật bảo hiểm thì cho đến tuổi nghỉ hưu phải có thời gian công tác từ 15 năm trở lên thì đóng bảo hiểm tiếp sau này mới có lương hưu không? Tôi cảm ơn.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về điều kiện hưởng lương hưu thì người lao động có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
“Điều 54. Điều kiện hưởng lương hưu
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;
b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;
c) Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;
d) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.”
Mẹ bạn tính đến năm 55 tuổi thì mới đóng bảo hiểm được 13 năm 10 tháng, tức là chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm. Trường hợp của mẹ bạn đã đủ điều kiện về tuổi đời, nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, mẹ bạn chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Tại điểm a Khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định:
“Điều 60. Bảo hiểm xã hội một lần
1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;
b) Ra nước ngoài để định cư;
c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
d) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.”
Nếu như đơn vị mẹ bạn có nhu cầu kéo dài thời hạn hợp đồng thì mẹ bạn có thể tiếp tục tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện về thời gian là 20 năm để được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng hoặc tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng chế độ hưu trí tự nguyện theo quy định tại Mục 1 Chương IV Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
------------
Câu hỏi thứ 2 - Công ty có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động đã nghỉ hưu?
Tôi sinh năm 195x, tôi đã nghỉ hưu.Tháng 3 năm 2010 tôi có tới một công ty khai thác đá để làm việc và được ký hợp đồng không thời hạn,công ty có đóng BHXH cho tôi và tôi cũng đóng theo qui định. Đến tháng 11 năm 2021 bảo hiểm thông báo cho công ty dừng không đóng BHXH cho tôi nữa. Cho tôi hỏi:- Tiền mà BHXH trả lại tôi được hưởng như thế nào? Công ty tiếp tục ký hợp đồng lao động với tôi thì tôi có được nhận 17% tiền lương thuộc nghĩa vụ doanh nghiệp không?Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời: Chào anh/chị, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:
Theo thông tin anh cung cấp thì hiện tại anh đang được hưởng chế độ hưu trí, do đó không thuộc đối tượng tham gia BHXH. Khi đó, căn cứ theo Khoản 3 Điều 168 Bộ luật lao động 2019:
"3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định".
Như vậy, trường hợp anh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì công ty có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng BHXH, BHYT, BHTN và tiền nghỉ phép hằng năm.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất