LS Vy Huyền

Đóng tiếp BHXH bắt buộc và tự nguyện thế nào?

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là chế độ bảo hiểm do nhà nước quy định theo đó người lao động được tự lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với điều kiện tài chính của mình. Khi tham gia bảo hiểm xã hội người tham gia cũng được quyền hưởng một số chế độ nhất định khi đủ điều kiện. Khi nghỉ việc người lao động có thể chuyển sang đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bài viết dưới đây của Luật Minh Gia sẽ tư vấn trường hợp đóng tiếp bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện thế nào?

 

1. Quy định pháp luật về đóng tiếp bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện

a, Các trường hợp được chuyển đóng bảo hiểm bắt buộc sang tự nguyện:

Căn cứ khoản 4 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014, để tham gia bảo hiểm xã hội tự  nguyện, người lao động phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên.
  • Không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Như vậy, người lao động chỉ được chuyển từ BHXH bắt buộc sang đóng BHXH tự nguyện nếu không còn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

b, Thủ tục chuyển sang đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Căn cứ Quyết định 595/QĐ-BHXH, để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động có thể thực hiện theo hướng dẫn dưới đây:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT.

Bước 2: Nộp hồ sơ và đóng tiền BHXH

Người tham gia có thể đóng BHXH tự nguyện tại đại lý thu hoặc cơ quan BHXH nơi mình cư trú.

Phương thức đóng BHXH tự nguyện gồm các phương thức sau đây: hàng tháng, 3 tháng/lần, 6 tháng/lần, 12 tháng/lần.

Mức đóng hàng tháng = 22% x mức thu nhập mà người lao động chọn đóng – số tiền nhà nước hỗ trợ đóng.

c, Chế độ hưởng khi chuyển sang đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây: hưu trí, tử tuất.

Như vậy, khi chuyển từ BHXH bắt buộc sang BHXH tự nguyện người lao động sẽ giảm bớt chế độ hưởng. Tuy nhiên, việc tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được cộng nối tiếp vào thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu và chế độ tử tuất.

Cụ thể khoản 3 Điều 5 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:

“3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.”

Như vậy, người lao động chuyển đóng từ BHXH bắt buộc sang BHXH tự nguyện sẽ không được hưởng chế độ về thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng lại được cộng nối thời gian để được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

2. Tư vấn về đóng tiếp bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện thế nào?

Nội dung tư vấn:

Chào luật sư nhờ tư vấn giúp tôi về việc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau: Tôi sinh năm 1972, đã công tác tại trường mầm non 20 năm. Và đóng BHXH cũng được 20 năm. Hiện tôi muốn chốt sổ BHXH và tôi nghỉ ở nhà giúp gia đình. Vậy tôi có cần phải đóng tiếp bảo hiểm cho đến tuổi nghỉ hưu không? Thủ tục đóng tự nguyện hoặc bắt buộc thế nào? Xin cảm ơn luật sư.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bác đã gửi nội dung đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bác, chúng tôi tư vấn như sau:

Khi thôi việc, cơ quan sẽ có trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Và trong độ tuổi lao động, người lao động vẫn có thể tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng chế độ hưu trí theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014. Về trình tự, thủ tục đóng bảo hiểm tự nguyện bác tham khảo phần thứ nhất đã nêu trên. Về tham gia bảo hiểm bắt buộc, bác phải giao kết hợp đồng lao động thì mới có căn cứ để đóng bảo hiểm bắt buộc.

Về chế độ hưu trí tại Điều 55 Luật bảo hiểm xã hội 2014 có quy định điều kiện nghỉ hưu thì người lao động nói chung được nghỉ hưu khi đáp ứng đủ điều kiện gồm:

- Đã đóng bảo hiểm xã hội được từ đủ 20 năm trở lên;

- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Về mức hưởng chế độ hưu trí được quy định tại Điều 56 Luật bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bởi nghị định 115/2015/NĐ-CP như sau:

“1.Mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

2. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội được tính như sau:

a) Người lao động nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%;

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%;

c) Lao động nam nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.”

Đối chiếu các quy định nêu trên với trường hợp của bác, bác đã đóng đủ 20 năm bảo hiểm do đó nếu có nhu cầu thì bác có thể đóng thêm để tăng phần trăm hưởng hưu trí hoặc bảo lưu thời gian 20 năm này và chờ đến khi đủ tuổi và làm hồ sơ hưởng chế độ hưu trí theo quy định.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169