Đóng BHXH tự nguyện có được hưởng chế độ thai sản không?
Mục lục bài viết
Câu hỏi 1: Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có được hưởng chế độ thai sản không?
Kính gửi công ty Luật Minh Gia. Em có vấn đề thắc mắc liên quan đến chế độ thai sản. Hiện em đang mang thai, em đang có băn khoăn về vấn đề chế độ thai sản mà em được hưởng khi sinh con. Cụ thể như sau: em có thời gian làm việc tại một công ty Nhật từ 20/5/2022 đến tháng 20/5/2024 thì hết hợp đồng làm việc. Trước đó em có thời gian đóng bảo hiểm được 4 tháng từ tháng 10/2021 đến tháng 1/2022 tại một công ty may ở Bình Dương. Hiện giờ em có thai và dự kiến sinh vào ngày 23/12/2024.
Vậy luật sư cho em hỏi trong thời gian em không xin được việc làm mới em có được hưởng chế độ thai sản không ạ?
Nếu như mình phải đóng BHXH 6 tháng trong vòng 12 tháng mà em không đóng đủ 6 tháng thì em muốn đóng thêm BHXH có được không ạ? Xin cảm ơn luật sư tư vấn
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
- Về thời gian đóng BHXH hưởng chế độ thai sản
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản thì người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì mới được hưởng chế độ thai sản.
Đối chiếu với trường hợp của bạn, bạn dự sinh vào ngày 23/12/2024, để được hưởng chế độ thai sản thì bạn phải đóng bảo hiểm từ đủ 6 tháng trở lên trong thời hạn 12 tháng trước sinh. 12 tháng trước sinh của bạn được tính như sau:
Nếu tháng 12 bạn không tham gia bảo hiểm thì 12 tháng trước sinh được tính từ tháng 12/2023 đến hết tháng 11/2024, trong thời gian này bạn phải đóng bảo hiểm được ít nhất 06 tháng.
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn tham gia làm việc cho công ty theo hợp đồng từ năm 2022 đến tháng 5/2024, đối chiếu với quy định về điều kiện hưởng thai sản thì trong thời bạn 12 tháng trước sinh bạn đã có 06 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do đó, sau khi sinh con bạn có thể tự làm hồ sơ để hưởng chế độ thai sản cho mình.
- Về việc đóng BHXH tự nguyện có được hưởng chế độ thai sản hay không?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
“ 2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm các chế độ sau đây:
a) Hưu trí;
b) Tử tuất.”
Như vậy, bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ quy định áp dụng cho hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Bởi vậy, nếu hiện tại bạn muốn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì bạn cũng sẽ không được hưởng chế độ thai sản khi bạn sinh con.
Câu hỏi 2: Nghỉ việc do thai yếu theo chỉ định của bác sỹ hưởng chế độ gì?
Chào luật sư, Em là giáo viên. Hiện em đang mang thai tuần 37. Lần khám thai gần nhất của em là tuần thai 36. Bác sĩ bảo là có dấu hiệu sinh non nên khuyên em nộp đơn cho nhà trường xin nghỉ thai sản sớm. Nhà trường yêu cầu em cung cấp giấy chứng nhận của bệnh viện có thẩm quyền. Vậy em có cần cung cấp giấy chứng nhận của bệnh viên không ạ? (Vì em khám tư nên không có giấy chứng nhận). Mong được luật sư giải đáp sớm nhất! Chân thành cảm ơn luật sư!
Trả lời: Chào chị, đối với yêu cầu hỗ trợ của chị chúng tôi đã tư vấn như sau:
- Điều kiện hưởng chế độ thai sản
Khoản 3 Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định như sau:
"1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
...
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con."
Theo quy định trên thì không phân biệt phòng khám tư nhân hay bệnh viện Nhà nước, mà chỉ cần xác định cơ sở khám, chữa bệnh đó được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo đó, để được nghỉ việc sớm thì chị cần phải xuất trình được giấy chỉ định về việc cần phải nghỉ việc do súc khỏe thai không tốt.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất