Người giúp việc có phải đóng bảo hiểm xã hội?
Điều 19 Nghị định số 27/2014/NĐ-CP ngày 07/4/2014 của Chính phủ quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ hạn trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động tự lo bảo hiểm.
Như vậy, người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản nhưng không bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội cho người giúp việc gia đình. Thay vào đó, người sử dụng lao động khi trả lương thì trả đồng thời một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động để người giúp việc tự đóng bảo hiểm xã hội.
Đây là những bước tiến đáng mừng trong chính sách bảo vệ quyền lợi người lao động và đưa giúp việc gia đình trở thành một nghề chính thức trong xã hội. Đặc biệt, với việc pháp luật thừa nhận giúp việc gia đình là một nghề cụ thể (không còn bị coi thường là ô-sin, người ở) bắt buộc người sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động với người lao động. Đây là cơ sở để bảo vệ người lao động trước pháp luật nếu tranh chấp xảy ra cũng như tạo điều kiện cho người giúp việc gia đình được đóng BHXH và BHYT như các nghề khác.
Tuy nhiên, với quy định trên, một trong những bất cập, thiếu sót trong quy định này thể hiện ở chỗ: Phần lớn những người giúp việc gia đình đều là người lớn tuổi và trẻ em. Trường hợp người giúp việc trên 55 tuổi, quá độ tuổi để được đóng bảo BHXH, vậy người sử dụng lao động có phải trả thêm khoản tiền này cho người lao động không và nếu không trả thì có vi phạm pháp luật không thì vẫn chưa được Nghị định đề cập tới.
Có thể nói, những quy định trong Nghị định 27/2014/NĐ-CP là bước đột phá lớn về chính sách pháp luật nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho lao động giúp việc cũng như người sử dụng lao động. Đây chính là cơ sở để bảo đảm quyền và lợi ích của các bên liên quan. Tuy nhiên, Nghị định vẫn còn gặp phải một số vấn đề thiếu sót, vướng mắc trong thực tiễn như đã phân tích ở trên. Các cơ quan BHXH và BHYT cần có hướng dẫn cụ thể về độ tuổi đối với người giúp việc và các cách thức xử lý trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm luật để Nghị định được triển khai hiệu quả trong thực tiễn.
Trân trọng!
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất