LS Hồng Nhung

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có được trả sổ bảo hiểm xã hội không?

Trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải hoàn trả những khoản chi phí gì? Có được trả lại sổ bảo hiểm xã hội không? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

 

Nội dung tư vấn: Xin chào luật sư! Tôi có thắc mắc mong luật sư vui lòng giải đáp giúp. Tôi có làm tại công ty may từ tháng 9/2015 đến tháng 3/2018. Ngày 23/03/2018 tôi có nộp đơn xin nghỉ việc đề nghị bắt đầu nghỉ từ ngày 2/4/2018 nhưng không được công ty phê duyệt. Do đó tôi đã rút lại đơn nhưng vẫn nghỉ việc không lý do từ ngày 2/4/2018. Đến ngày 11/4/2018 thì tôi có nhận được thư từ công ty thông báo tôi nghỉ không lý do. Công ty yêu cầu tôi quay trở lại công ty để bố trí lại công việc sau 3 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, nếu không công ty sẽ xác nhận là tôi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với công ty. Nhưng tôi đã không quay lại sau 3 ngày kể từ ngày nhận thông báo.

Vậy tôi có được coi là đơn phương phá vỡ hợp đồng trái pháp luật không? Và tôi có phải bồi thường 45 ngày lương cho công ty để nhận được sổ bảo hiểm hay không? Mong luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn. Thank you!

 

Trả lời tư vấn:  Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Đối với vấn đề chấm dứt quan hệ lao động:

 

Trong trường hợp của bạn cần xác định việc bạn rút lại đơn xin nghỉ việc có được sự đồng ý bằng văn bản của công ty hay không. Trường hợp bạn rút đơn chấm dứt hợp đồng lao động mà không có thông báo bằng văn bản và không có sự đồng ý của người sử dụng lao động thì việc rút đơn cũng không được coi là hợp pháp theo Điều 40 Bộ luật Lao động 2012:

 

"Điều 40. Huỷ bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

 

Mỗi bên đều có quyền huỷ bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước khi hết thời hạn báo trước nhưng phải thông báo bằng văn bản và phải được bên kia đồng ý."

 

Theo đó, trong trường hợp này việc bạn nghỉ không đáp ứng về căn cứ chấm dứt và nghĩa vụ báo trước theo Điều 37 Bộ luật này thì được xác định việc chấm dứt là trái với quy định pháp luât. Đồng nghĩa với việc bạn phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường theo quy định sau:

 

"Điều 43. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

 

1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

 

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

 

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này."

 

Đối với vấn đề chốt và trả sổ bảo hiểm.

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 47 Bộ luật lao động năm 2012 về trách nhiệm của người sử dụng lao động.

 

“Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động

1. ....

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

 

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

...”

 

Theo đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm chốt sổ và trả sổ cho bạn; việc bạn nghỉ ngang không phải là căn cứ để người sử dụng lao động không chốt sổ và trả sổ bảo hiểm xã hội. Trường hợp, công ty không thực hiện chốt và trả sổ bảo hiểm thì để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình bạn có quyền có quyền làm đơn khiếu nại gửi Phòng lao động thương binh và xã hội để giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV Hồng Nhung -  Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo